Nghề ô sin

30/11/2017 05:17 GMT+7

Gần đây, dư luận phẫn nộ khi xem đoạn phim về vụ bạo hành dã man của người giúp việc gia đình đối với đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi tại tỉnh Hà Nam.

Vụ việc trên càng làm tăng tai tiếng cho giới ô sin và một lần nữa đặt ra vấn đề về đào tạo, tuyển chọn, quản lý lực lượng lao động này.
Theo số liệu của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), năm 2010, nước ta có hơn 200.000 lao động giúp việc gia đình; dự báo đến năm 2020 có thể lên tới 350.000 người.
Mức thu nhập hiện nay của người giúp việc gia đình từ 4 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu tính chi phí ăn ở lại nhà chủ là khoảng 6 - 9 triệu đồng/tháng, tương đương thu nhập của thợ lành nghề được đào tạo bài bản. Thế nhưng cộng đồng và ngay cả nhiều người giúp việc còn nặng định kiến về nghề này. Quan niệm phổ biến là những ai không thể làm được các nghề khác đều có thể trở thành ô sin và làm ô sin thì không cần học hành gì.
Các chủ nhà thường thuê ô sin theo kiểu may rủi thông qua người quen giới thiệu hoặc lên mạng tìm kiếm. Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) năm 2015 cho thấy: 90% người giúp việc gia đình ở VN chưa được đào tạo nghề và chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Cũng trong năm 2015, GFCD và Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH) đã công bố Bộ tiêu chuẩn năng lực nghề giúp việc gia đình.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bộ tiêu chuẩn này là công cụ giúp cho người lao động định hướng phấn đấu nâng cao trình độ về kiến thức và kỹ năng; còn người sử dụng lao động có cơ sở để tuyển chọn, bố trí công việc và trả lương hợp lý. Đây cũng là căn cứ để xây dựng khung, chương trình, nội dung dạy nghề tiếp cận chuẩn kỹ năng nghề giúp việc gia đình của khu vực và quốc tế...
Tuy nhiên, cho đến nay cả nước hầu như chưa có địa chỉ uy tín, nổi bật về đào tạo, cung ứng lao động giúp việc gia đình chuyên nghiệp.
Thị trường lao động ASEAN đã mở cửa hai năm nay. Ngày càng có nhiều người giúp việc gia đình chuyên nghiệp, đa năng từ nước ngoài (như Philippines) vào làm việc ở nước ta. Nếu lao động trong nước vẫn không được đào tạo và chuyên nghiệp hóa thì ở lĩnh vực này, chúng ta không chỉ thua trên “sân”, mà còn thua cả trong những ngôi nhà, căn bếp Việt!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.