Nghịch lý thiếu vốn

09/09/2017 06:31 GMT+7

Trong khi nhiều doanh nghiệp đói vốn, hàng loạt công trình trọng điểm dở dang vì thiếu vốn thì Kho bạc Nhà nước lại “thừa” 160.000 tỉ đồng đem gửi tại các ngân hàng thương mại.

Nghịch lý này cho thấy sự bất cập lớn trong việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công đã và đang dẫn tới nhiều hệ lụy.
Vốn đầu tư công không giải ngân được nghĩa là sẽ có nhiều dự án đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học... không được xây dựng hoặc chậm đưa vào hoạt động, hệ lụy đầu tiên là ảnh hưởng tới hạ tầng cơ sở, hạ tầng kinh tế của đất nước. Chẳng nói đâu xa, TP.HCM cũng đang như ngồi trên lửa khi vốn cho hệ thống đường sắt đô thị (metro) bị nghẽn. Hôm qua, TP đã có buổi họp bàn về vấn đề này. Trước đó TP đã 2 lần phải ứng vốn để chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu trong quá trình chờ giải ngân, nhưng số tiền 500 tỉ đồng ứng lần sau cũng sắp xài hết mà tình hình vẫn không có gì tiến triển.
Mặt khác sự chậm trễ này có thể gây lãng phí lớn. Số tiền 160.000 tỉ đồng nói trên phần lớn từ phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất cao, giờ đi gửi ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn thì phần chi phí chênh lệch này ngân sách phải bù vào. Nhìn rộng hơn một chút, gánh nặng nợ công lại bị đè thêm một khoản hết sức vô lý, nhất là trong bối cảnh chúng ta luôn "đói vốn" hiện nay. Ấy là chưa kể việc đối diện với nguy cơ phải đền hợp đồng.
Nguyên nhân của việc kho bạc dư thừa vốn do không giải ngân kịp là vướng ở khâu thủ tục ở chỗ này, chỗ kia. "Vướng vì thủ tục" là lý do mà chúng ta gặp hằng ngày, hằng giờ và công cuộc cắt giảm thủ tục hành chính đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng như nói trên, đến cả những dự án quốc kế dân sinh cũng bị ách tắc, dở dang vì "vướng thủ tục". Ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy khó hiểu, thủ tục cuối cùng thì cũng là do chúng ta đặt ra mà sao khó giảm, khó gỡ đến vậy?
Chậm giải ngân không chỉ khiến một công trình, vài dự án dở dang mà đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách phân bổ. Đặc biệt là ảnh hưởng đến kế hoạch và các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Vì vậy, không thể cứ để tình trạng năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng đích thân phải đôn đốc, mà phải truy rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ có thế mới hạn chế và chấm dứt tình trạng thiếu vốn nhưng vốn vay lại không giải ngân, không phát huy được như nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.