Thói 'công nhàn'

Tuần rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phải ký văn bản gửi các cơ quan cấp dưới yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những trường hợp vi phạm thời gian làm việc hành chính.

Cũng chẳng phải chuyện gì mới. Năm ngoái, UBND tỉnh Đồng Tháp còn mạnh tay hơn, ra cả quy định cấm công chức, viên chức la cà quán xá trong giờ làm việc. Những động thái quyết liệt đó liệu có đủ không để chấm dứt tình trạng “công nhàn” không thể chối cãi ở các cơ quan công quyền lâu nay?
Nói “công nhàn” là để liên hệ với chuyện nông nhàn - vốn là một nếp sống cố hữu của xã hội nông nghiệp lúa nước truyền thống. Cái căn nguyên của nếp “nông nhàn” chính là ở quy trình sản xuất nông nghiệp với những lúc đợi chờ gieo gặt theo mùa vụ rất rảnh rỗi. Nhưng nông nhàn không hẳn đã là vô ích. Cha ông ta biết sử dụng hiệu quả thời giờ nông nhàn cho việc sản xuất tiểu thủ công ở nông thôn.
Giờ thì lại có chuyện “công nhàn”. Chẳng phải là nếp sống đâu, mà là thói làm việc của không ít công chức văn phòng, làm chơi chơi, sáng vào làm trễ chiều trốn về sớm, giữa giờ thì cứ từ từ mà làm. Cũng đã đến lúc phải giải mã cái thói “công nhàn” ấy cho cặn kẽ. Thực tế, một hiện tượng phổ biến trong giới công chức như thói “công nhàn” chắc chắn có nhiều nguyên nhân đồng thời.
Liệu có phải do nhà nước tuyển nhầm toàn những người lười biếng? Hay chẳng ít thì nhiều vướng vào vòng luẩn quẩn tuyển dụng người thân, người nhà nên cuối cùng chẳng ai bảo được ai? Hay có phải vì lương lậu và đãi ngộ bất cập nên công chức cho phép mình loay hoay đầu này đầu nọ xao nhãng giờ giấc? Và cũng có khi là, việc nhà nước thì ít mà tuyển dụng thì lại nhiều, dẫn đến tình trạng thâm dụng lao động, và vì thế công chức nếu không đi trễ về sớm mà ngồi văn phòng đúng giờ thì có khi cũng chỉ là ngồi chơi xơi nước. Cũng đang có không ít cơ quan xin thêm biên chế nhân sự, vừa than thiếu người lại vừa than thừa người. Thiếu là thiếu người chăm làm, thực làm, còn thừa là thừa người biếng việc, kém việc.
Chuyện các vị lãnh đạo chính quyền hạ quyết tâm chấn chỉnh nền nếp làm việc công sở rõ là đáng hoan nghênh, nhưng đó chỉ mới là chạm vào phần ngọn của vấn đề. Thói “công nhàn” trước hết cần được nhận diện là một vấn đề về tổ chức bộ máy công việc. Dường như những lý thuyết quản trị căn cơ nhất, cái tinh thần kỹ trị căn cơ nhất vẫn chưa được áp dụng trong bộ máy cơ quan nhà nước. Đó là phải rà soát lại việc xác định các luồng công việc (workflow), tải công việc (workload), chức danh công chức và vị trí việc làm cho khớp đúng với nhu cầu, tránh cảnh việc ít người nhiều. Có như thế thì mới dựa được vào cơ chế tự chủ, khoán lương mà giải bài toán thu nhập của công chức, viên chức. Có như thế mới dần loại bỏ được việc tuyển dụng sai người, tuyển dụng người thân người nhà. Rồi từ đó mà xây dựng tính chuyên nghiệp và kỷ luật làm việc.
Ngay những người có tính chăm chỉ và trách nhiệm vẫn có khả năng mắc thói “công nhàn” nếu các cơ quan nhà nước không quyết tâm tái cấu trúc cơ cấu công việc và đãi ngộ. Cũng giống như chuyện nông nhàn, thói “công nhàn” có căn nguyên từ trong quy trình công việc hiện hữu của các cơ quan nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.