‘Thượng đế’ bị tra tấn

28/12/2016 06:16 GMT+7

Phải dùng từ "tra tấn" mới đúng với tình trạng khách hàng (vốn được gọi là “thượng đế”) bị quấy rầy bởi các cuộc gọi điện mời mua bảo hiểm, vay vốn, mời tham gia các dịch vụ về học hành, thể dục...

Và không hề quá lời khi nói rằng, các cuộc gọi này trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với rất nhiều người hiện nay.
Nói tra tấn bởi họ bị gọi bất cứ giờ nào, lúc nào, hoàn cảnh nào; không chỉ một người mà nhiều người cùng một công ty, gọi cùng một mục đích, thậm chí cùng một cách nói. Với rất nhiều công ty bảo hiểm, công ty đầu tư tài chính đang cạnh tranh quyết liệt giành thị phần, cùng với sự nở rộ của các trung tâm tư vấn đủ mọi loại dịch vụ... khách hàng thực sự bị "bội thực quấy rối" bởi dịch vụ tiếp thị và bán hàng qua điện thoại.
Hãy hình dung nỗi khổ của các “thượng đế” như sau: chưa kịp từ chối mua bảo hiểm lại phải đối phó với lời mời gọi vay vốn; chưa nguôi cơn bực tức với cuộc gọi mời tham gia hội thảo giáo dục thì lại lên cơn tăng xông với các kiểu tiếp thị của các trung tâm thể hình, làm đẹp, hội viên ưu đãi khách sạn...
Phải nhắc lại rằng, tiếp thị hay bán hàng qua điện thoại về bản chất là một dịch vụ hiệu quả vì tiết giảm được nhiều chi phí. Đặc biệt, khi con người ngày càng bận rộn hơn, ít có thời gian thì hình thức bán hàng này là cách tốt nhất có lợi cho cả hai bên. Hình thức này cũng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Nhưng vì không gặp trực tiếp nên việc đào tạo kỹ năng tiếp thị - bán hàng qua điện thoại là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của doanh nghiệp. Vì thế, với các công ty chuyên nghiệp, mục tiêu cao nhất không phải là bán được hàng mà là thiết lập mối quan hệ với khách hàng.

tin liên quan

Đau đầu vì 'cuộc gọi rác'
Những “cuộc gọi rác” nhằm chào mời sản phẩm dịch vụ không chỉ làm phiền mà thậm chí còn gây hoang mang cho nhiều người do thông tin cá nhân bị tiết lộ.
Muốn làm được điều này, nhân viên bán hàng phải tìm hiểu những thông tin cơ bản về khách hàng; phải gây được thiện cảm qua giọng nói, qua sự hiểu biết về sản phẩm giới thiệu với khách; phải xây dựng được các kịch bản điện thoại, cách xử lý tình huống xảy ra... để trong mọi trường hợp, không gây phản cảm với khách hàng.
Nhưng tại VN hình thức bán hàng này đang bị coi là hành vi quấy rối bởi khách bị gọi bất cứ giờ nào, cách tiếp thị thì thiếu chuyên nghiệp, thậm chí trong nhiều trường hợp khách hàng như bị đánh lừa.
Có người "vòng vo tam quốc", hỏi thăm từ họ hàng tới các thành viên trong gia đình khiến người được gọi đoán già - đoán non "nhân vật ở đầu dây bên kia" rồi thình lình bị mời mua sản phẩm, dịch vụ. Có trường hợp khách hàng bực tức phê bình thì ngay lập tức bị mắng lại là bất lịch sự...
Đó là chưa kể, rất nhiều công ty cứ giao cho nhân viên gọi cật lực theo kiểu "được người nào hay người đấy" nên một khách hàng nhưng có tới vài nhân viên của cùng một đơn vị gọi tới mời chào... Hệ quả là rất nhiều người đã và đang tẩy chay hình thức bán hàng này thông qua việc không nghe số điện thoại lạ, không nghe nếu là số máy bàn; không nghe nhưng mở máy "tốn tiền cho bõ ghét"; tắt máy cái rụp hay thậm chí giận dữ la mắng...
Trong bối cảnh điện thoại và internet ngày càng phát triển, tiếp thị - bán hàng qua điện thoại chắc chắn cũng sẽ ngày càng được nhiều công ty sử dụng. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng xây dựng các quy định quản lý và chế tài cụ thể để đưa hình thức này vào khuôn khổ cũng như bảo vệ người tiêu dùng không bị tra tấn như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.