Tiếp cận tín dụng đã dễ hơn

10/11/2017 06:04 GMT+7

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc, xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát và đạt 75 trên thang điểm 100.
Đây là tín hiệu đáng mừng bởi tín dụng luôn là yếu tố quan trọng nhất, cốt lõi nhất nhưng nhiều thập niên qua, việc tiếp cận tín dụng lại là điểm nghẽn đối với hầu hết cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đây cũng là vấn đề bị than phiền nhiều nhất, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ. Việc tiếp cận tín dụng khó khăn đã khiến họ vuột mất cơ hội làm ăn, giảm sức cạnh tranh. Có thể nói, chỉ số tiếp cận tín dụng là một trong những thước đo môi trường kinh doanh thiết thực nhất. Một đất nước có chỉ số tiếp cận tín dụng càng cao nghĩa là DN được hỗ trợ càng tốt, càng thuận lợi để phát triển, và ngược lại.
Theo Doing 2018, việc tăng thứ hạng chỉ số tiếp cận tín dụng trong năm 2017 xuất phát từ các điều chỉnh thay đổi tích cực trong bộ luật Dân sự 2015, trong đó đã mở rộng danh sách tài sản được phép giao dịch bảo đảm, giúp hỗ trợ nâng cao điều kiện tiếp cận tín dụng cho các DN và cá nhân. Nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước qua hàng loạt các cơ chế, chính sách thiết thực như quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng, giảm nợ xấu, vốn được coi là cục máu đông gây tắc nghẽn đường lưu chuyển vốn ra cộng đồng DN; giữ ổn định và giảm lãi suất nói chung và cho một số ngành ưu tiên nói riêng. Các ngân hàng thương mại cũng liên tục đưa ra các chương trình cho vay DN vừa và nhỏ, xuống tận hộ kinh doanh, tiểu thương ở chợ đầu mối, các doanh nhân là phụ nữ; thời gian, thủ tục vay ngày càng nhanh, gọn, minh bạch hơn... kết quả là, nếu như trước đây DN phải “cầu cạnh” để tiếp cận được các nhà băng để được vay tiền thì đến thời điểm này, mối quan hệ giữa ngân hàng và DN đã quay ngược 180 độ. Nhà băng phải đi tìm DN. Thậm chí, những DN có lịch sử tín dụng tốt còn được mời chào, tranh giành...
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải cải thiện để tiếp tục nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng như tăng cho vay tín chấp với các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, khởi nghiệp thay vì chỉ tiếp vốn cho các “đại gia”; tiếp tục giảm lãi suất để giảm chi phí vốn cho DN trong bối cảnh mở cửa thị trường cho DN ngoại vào ngày càng nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới 1 triệu DN vào năm 2020, khuyến khích khởi nghiệp thì việc tiếp cận vốn thuận lợi là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu này.
Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vào top 30 thế giới cho thấy, nếu chúng ta thực sự quyết tâm và bắt tay vào hành động, không chỉ DN được hỗ trợ, môi trường kinh doanh được cải thiện mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.