Chất lượng giám sát phụ thuộc vào... cơ quan bị giám sát

Vũ Hân
Vũ Hân
04/06/2019 10:42 GMT+7

Khi thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chất lượng giám sát hơn là lựa chọn nội dung giám sát.

Với 383/426 ĐB có mặt biểu quyết đồng ý, chiếm 79,13% tổng số ĐB, sáng 3.6, QH đã nhất trí giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em"..
Tuy nhiên, khi thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2020, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn về chất lượng giám sát hơn là lựa chọn nội dung giám sát.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng chất lượng giám sát đôi khi lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của... đối tượng giám sát. “Nơi nào địa phương chuẩn bị tốt, đoàn giám sát sẽ có nhiều thông tin, chất lượng giám sát cũng tốt hơn. Chỗ nào không muốn nói thì rất khó biết”.
ĐB Trí dẫn chứng: “Đặt câu hỏi cho địa phương về việc có phổ biến tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài không? Thường họ (địa phương - PV) chỉ biết cười. Họ bảo có, nhưng bao nhiêu họ không biết. Tôi biết họ biết nhưng họ không nói”.
Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện, cho rằng cần chú ý đến “hậu giám sát” vì nếu chỉ giám sát, sau đó giao trách nhiệm mà không xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, không đặt ra thời hạn, không chỉ rõ cán bộ lãnh đạo nào có trách nhiệm, thì sau này rất khó đánh giá về hiệu quả hoạt động giám sát và đặc biệt không thể xử lý được người có trách nhiệm.
ĐB Nhưỡng cũng đề nghị thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa quá trình giám sát của QH với hoạt động của Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.