Chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội: Nhiều sai sót trong quản lý biệt thự

05/12/2014 05:20 GMT+7

Quản lý biệt thự cổ , ô nhiễm nguồn nước sạch cho Hà Nội… là những vấn đề nóng được các đại biểu đặt nhiều câu hỏi trong phiên chất vấn trọn ngày hôm qua 4.12 của HĐND TP.Hà Nội kỳ họp thứ 11.

Chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội: Nhiều sai sót trong quản lý biệt thự
Việc quản lý biệt thự cổ ở Hà Nội còn nhiều sai sót - Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời tái chất vấn của các đại biểu (ĐB) về việc loại bỏ 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý theo quy chế quản lý biệt thự trước năm 1954 đã được HĐND TP phê duyệt, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho hay nội dung này đã được TP giao thanh tra toàn diện. Tuy nhiên, đến nay mới thanh tra được một số hồ sơ, do khối lượng công việc nhiều, chưa tiếp cận hết. Theo ông Sơn, bước đầu xác định đoàn liên ngành TP khi lập và thẩm định hồ sơ về biệt thự có một số bước chưa chặt chẽ, một số trường hợp sai sót.

ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, chất vấn: “Quyền nào để UBND loại 312 biệt thự khỏi danh mục quản lý đã được HĐND phê duyệt mà không có ý kiến của HĐND? Bao giờ TP có kết luận thanh tra về 312 biệt thự?

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của ông Nam là tại sao đưa 312 biệt thự khỏi danh mục quản lý, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết Văn bản 7177 của TP về quản lý, phân loại biệt thự ban hành hoàn toàn đúng thẩm quyền, đã xin ý kiến của Bộ Tư pháp. Quá trình thanh tra khó khăn, do hệ thống hồ sơ tồn tại 60 - 70 năm nay, quản lý nhà nước về hồ sơ cũng có sai sót. Ông Khanh khẳng định ngày 15.12, tất cả các đơn vị phải báo cáo thanh tra và TP về thực trạng hồ sơ hiện nay. Thanh tra sẽ thẩm tra từng biệt thự, nếu khó sẽ mời tư vấn, Bộ Xây dựng, ngoài ra sau đợt thanh tra này sẽ thanh tra tiếp trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra.

 

Không chỉ biệt thự cổ, nhiều công trình nhà nước cũng bị các cá nhân xâm chiếm trái phép, thậm chí hợp thức hóa thành tài sản tư nhân

ĐB Nguyễn Hoài Nam

Tuy nhiên, phần trả lời này vẫn vẫn chưa làm các ĐB hài lòng, ĐB Nam và ĐB Nguyễn Xuân Diên tiếp tục đặt thêm câu hỏi. Ông Nam đề nghị TP phải làm rõ có vấn đề khiếm khuyết trong quản lý hay không, có dấu hiệu cản trở thanh tra hay tình trạng lợi dụng chức vụ để sử dụng không đúng mục đích tài sản công? “Không chỉ biệt thự cổ, nhiều công trình nhà nước cũng bị các cá nhân xâm chiếm trái phép, thậm chí hợp thức hóa thành tài sản tư nhân”, ông Nam cảnh báo.

Theo ông Khanh, TP không loại 312 biệt thự này ra khỏi diện quản lý, mà phân loại để bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, quản lý các biệt thự này. “Trong quá trình quản lý có những sai sót, thiếu chặt chẽ, TP đã biết và chỉ ra được một số trường hợp cụ thể. Quan điểm của UBND TP là rất quyết liệt. Nếu phát hiện cơ quan, cá nhân nào cản trở việc này, chúng tôi sẽ xử lý theo luật, không bao che, dung túng”, ông Khanh khẳng định.

“Đồng chí có khẳng định chất lượng nước tốt không ?”

Giải trình về chất lượng nước sông Đà, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết Sở đã kiểm tra thông tin báo chí phản ánh cửa thu nước sông Đà đặt cạnh bãi rác Sơn Kỳ (Hòa Bình). Bãi rác của xã Sơn Kỳ tồn tại hơn 6 năm, nước thải ra trung bình 6 - 12 m3 mỗi ngày (công suất Nhà máy nước Hòa Bình là 300.000 m3/ngày đêm). Sở Xây dựng đã lấy 18 mẫu nước mang về kiểm nghiệm và đều đạt tiêu chuẩn, nên chất lượng nước sông Đà đến thời điểm này có thể an tâm. Tuy nhiên, ông Dục cũng cho rằng dẫu nước thải hòa vào nước sông dù nhỏ, nhưng việc cấp nguồn nước này cho người dân vẫn rất nguy hiểm. Ông Dục cũng thông tin thêm, nguồn nước sông Đà còn bị ảnh hưởng từ nước thải một nhà máy giấy nằm đối diện bãi rác và nguồn nước thải sinh hoạt của TP.Hòa Bình. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo, tỉnh Hòa Bình sẽ di chuyển bãi rác này.

ĐB Nguyễn Văn Phòng yêu cầu ông Dục làm rõ hơn bãi rác tỉnh Hòa Bình ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Đà đang cung cấp nước cho 70.000 hộ dân TP hay không. “Nhân dân cần một câu khẳng định, đồng chí có khẳng định chất lượng nước tốt không”, ông Phòng chất vấn. Ông Dục khẳng định các mẫu gần đây nhất đều đạt yêu cầu.

Không hài lòng việc lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định nguồn nước sạch đạt chất lượng, ĐB Phạm Xuân Tài cho hay Bộ Y tế đã phân tích nước tại 19 nhà máy và các hộ gia đình tại Hà Nội, kết quả nhiều mẫu nước không đạt. “Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?”, ông Tài chất vấn. Đáp lại, ông Dục cho rằng kết quả kiểm tra một số trạm cục bộ tại Mỹ Đình 2, Linh Đàm, Nam Đô cho kết quả nước không đạt tiêu chuẩn, Sở đã yêu cầu các đơn vị tổng vệ sinh bể nước.

Mai Hà

>> TP.HCM chưa phát hiện tình trạng sử dụng nhà công vụ sai mục đích
>> Chưa thu lại nhà công vụ thì không thể nói người ta chiếm đoạt
>> Tham nhũng nhà công vụ' phải coi là tội danh hình sự
>> Cưỡng chế thu hồi nếu không trả nhà công vụ
>> Nhiều cán bộ cố tình bám lấy nhà công vụ
>> Hàng trăm quan chức phải ở khách sạn vì thiếu nhà công vụ?
>> Xử lý nhà công sở bỏ hoang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.