Chạy trên 'đường ray cũ', kinh tế Việt Nam khó phát triển

31/10/2014 14:10 GMT+7

(TNO) Đối mặt trước nhiều khó khăn của nền kinh tế , nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề nghị Chính phủ cần quan tâm, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là nông dân và ngư dân trong sản xuất.


ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng năm 2015 - 2016, kinh tế nước ta khó có bước phát triển, thay đổi mạnh mẽ nếu cứ chạy trên "đường ray cũ" - Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng nay 31.10, QH tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch năm 2015. Bên cạnh những ý kiến lạc quan, nhiều ĐB lo lắng, nhìn nhận năm tới kinh tế nước ta đang đối mặt nhiều khó khăn thách thức.

Nền kinh tế chạy trên “đường ray cũ”

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: “Tôi không tin năm 2015 - 2016, kinh tế nước ta sẽ có bước phát triển, thay đổi mạnh mẽ vì chúng ta đang đi trên đường ray cũ, định hướng cũ thì làm sao thấy được chân trời mới”.

Ông Nghĩa dẫn một nhận định của chuyên gia tài chính - kinh tế Bùi Kiến Thành rằng: Nền kinh tế Việt Nam hiện không thể bay cao được vì đôi cánh đang bị đeo quá nhiều thứ nặng nề.

Theo ĐB Nghĩa, trong suốt hơn hai thập niên qua, nền kinh tế nước ta vẫn đi trên “đường ray cũ”, tư duy, cách làm cũ. Đặc biệt, kinh tế nước ta phát triển, sản xuất với 3 cái hao là: hao vốn, hao ngoại tệ và hao tài nguyên môi trường.

 

ĐB Nghĩa đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao chúng ta có quyền chấm thầu, chọn thầu mà để lọt, chọn nhà thầu Trung Quốc kém chất lượng? Tại sao thương nhân Trung Quốc chỉ bằng visa du lịch mà có thể đi khắp đất nước thu mua đủ loại nông sản? Tại sao buôn lậu qua biên giới tràn lan các mặt hàng Trung Quốc kém chất lượng mà đặc biệt là nông sản, thực phẩm độc hại? Tại sao, nhà máy Samsung tại Việt Nam cần sử dụng hơn 60.000 lao động thì hầu hết đều là lao động Việt Nam và chỉ có khoảng 70 người là chuyên gia Hàn Quốc. Trong khi đó, các công ty, công trình của nhà thầu của Trung Quốc tại Việt Nam sử dụng đến hơn 23.000 lao động Trung Quốc, đều là lao động phổ thông, chân tay? Tại sao Formosa có thể xây miếu thờ, thờ ai và có dẹp không?

Mặt khác, ĐB Nghĩa phân tích thêm hiện trạng đáng lo lắng là tham nhũng tràn lan, kinh tế Nhà nước được nhiều ưu tiên, thụ hưởng nhiều quyền lợi nhưng hiệu quả kém.

Song song, theo ĐB Nghĩa, kinh tế nước ta đang lệ thuộc vào Trung Quốc ở nhiều mặt như xuất nhập khẩu, đấu thầu, thi công, nhân công, hàng tiêu dùng và có thể cả vốn và tài chính.

ĐB Nghĩa cho rằng cần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. “Nếu giao quyền và tài sản cho người tham lam thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc thậm chí mất nước”, ông Nghĩa thẳn thắng nói.

Qua đó, đóng góp ý kiến cho việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ĐB Nghĩa chú trọng đến vấn đề cần chọn lãnh đạo có tài, có đức, yêu nước và có tư duy, đầu óc đổi mới.

Đồng thời, ông Nghĩa đề nghị trong bối cảnh kinh tế khó khăn trước mắt, nếu chưa thể tăng lương cơ bản theo lộ trình thì Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, trợ cấp cho công nhân, nông dân, ngư dân, người có thu nhập thấp, khó khăn.

Yêu cầu đầu tư khoa học công nghệ cho sản xuất

Theo ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình), các nước phát triển đều đi lên từ khoa học công nghệ. Vì vậy, để thúc đẩy, phát triển kinh tế, ĐB Thanh đề nghị Chính phủ nên đầu tư phát triển khoa học công nghệ.


ĐB Nguyễn Thị Thanh thảo luận trước QH - Ảnh: Ngọc Thắng 

ĐB Thanh dẫn ra thực trạng hiện nay, thống kê ở nước ta, số nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp chỉ có tỉ lệ 25/1.000, 76% máy móc, thiết bị đang sử dụng trong sản xuất nhập từ những năm 80 - 90 và chúng ta chưa có sản phẩm khoa học công nghệ nào được quốc tế biết đến.

“Sức mạnh của nền kinh tế thể hiện và phụ thuộc vào sức khỏe của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ĐB Thanh nhận định.

ĐB Thanh đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay chủ yếu phù hợp với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được. Trong khi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 70% doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, nông dân và ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay, được các ĐB kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ, đặt biệt là vốn và khoa học công nghệ.

ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhanh, có kết quả nghiên cứu khoa học về giống cây trồng để giúp nông dân phát triển sản xuất, không phải nhập khẩu. Đồng thời, theo ông Bình, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ nông sản nhập khẩu để bảo vệ nông sản trong nước, phát triển sản xuất chế biến nông sản để xuất khẩu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), kiến nghị hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu, đánh bắt xa bờ và phát triển kinh tế biển.

Đây cũng là quan điểm của nhiều ĐBQH, cho rằng hiện đầu tư cho ngư nghiệp, biển đảo chưa được chú trọng, và đề nghị cần đầu tư cho kinh tế biển, hỗ trợ sản xuất, bảo vệ ngư dân, cũng là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Sáng nay (31.10), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã có báo cáo trước QH về các vấn đề nhiều ĐBQH đặt ra.

Theo Bộ trưởng Phát trong 10 tháng của năm 2014, chúng ta có một năm được mùa, được giá trừ cá tra và cao su. Xuất khẩu, 10 tháng đã đạt được 25,85 tỉ USD đối với các loại nông, lâm, thủy sản (tăng 13% so cùng kỳ).

Tuy nhiên nông nghiệp nông thôn vẫn có nhiều khó khăn mà giải pháp căn cơ là tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trình bày về tình hình sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ NN-PTNT đã có nhiều biện pháp, trong đó, có 6 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản và thủy lợi.

Cụ thể, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL, phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản, khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT khẳng định sản xuất lúa gạo là ngành có lợi thế của Việt Nam vì vậy chúng ta nên tiếp tục phát huy và Bộ có đề án nâng cao hiệu quả của ngành trồng lúa, áp dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân, để nâng cao hiệu quả trồng lúa, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng linh hoạt hơn.

Về phát triển chăn nuôi thì ông Phát nhìn nhận sức cạnh tranh còn thấp vì đàn gia súc, gia cầm của chúng ta có 60% vẫn là hộ chăn nuôi nhỏ.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tốc độ tăng trưởng thủy sản khá cao nhưng về đánh bắt thì tốc độ tăng chậm hơn so với nuôi trồng, đúng với chiến lược phát triển thủy sản.

“Chính phủ khuyến khích ngư dân có những tàu thuyền, trang thiết bị phù hợp để đánh bắt ở vùng biển xa nhưng kiềm chế gia tăng đánh bắt khu vực ven bờ để đảm bảo nguồn tài nguyên hải sản. Bộ NN-PTNT đang tập trung nâng cao hiệu quả đánh bắt qua cải tiến công nghệ bảo quản hải sản trên tàu cá giúp nâng cao giá trị hải sản lên 30%”, ông Phát cho biết.

Nguyên Mi

>> Tham nhũng nhà công vụ' phải coi là tội danh hình sự
>> Tránh lệ thuộc vào vốn ODA
>> Bộ trưởng Bộ Tài chính: 'Nợ công tiến sát giới hạn cho phép
>> Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân từ trần
>> Chi hơn 5.500 tỉ đồng xây Nhà Quốc hội
>> Quốc hội sẽ nghe báo cáo thẩm tra về dự án sân bay Long Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.