Chạy voi

25/05/2008 23:01 GMT+7

Kỳ 2: Bảo tồn voi và bảo vệ người Càng lúc voi càng không sợ các biện pháp xua đuổi của con người. Với người dân, giờ đây điều họ quan tâm không phải là khi nào "ông" về, mà là chung sống với voi như thế nào?

Theo dấu chân voi

Theo nhiều người đi rừng ở Phú Lý thì từ khoảng tháng 6.2007, từ Vườn quốc gia Cát Tiên, họ đã thấy xuất hiện một con voi rất lớn, dấu chân đo được cho thấy con này nặng 7-8 tấn. Sau khi ăn lòng vòng ngoài bìa rừng, con voi này tiếp tục tiến sâu vô nương rẫy của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thương, phó ấp 1, nhớ lại một đêm "ông" voi này vô phá phách tan hoang nhà cửa, ruộng vườn trong ấp: " "Ông" về cuối xóm, giật vách, phá tung hũ gạo của một hộ dân. Bà con thấy được, chạy túa ra. Kế đó, "ông" đi sang nhà ông Trần Văn Hiểu, lục tung nhà từ chăn mền, quần áo, giường chiếu, cứ chỗ nào dính mùi mồ hôi là "ông" xục vô. Tại đây, "ông" phá tan một hũ gạo. "Ông" đi tiếp, bỏ một căn, đến nhà bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, kéo đổ vách nhà. Rồi "ông" chạy sang nhà bà Thập Thị Sương, kéo phá gian bếp, kiếm gạo ăn. Kế đó, "ông" ghé tiếp nhà ông Thạch Phu, giật mấy tấm liếp rồi qua nhà bà Hương, kéo đổ chái nhà. Ghé mấy hộ nữa rồi tới nhà ông Quang, dậm từ trước ra sau, xô đổ xe Honda, làm nát te tua các bao, bịch chứa bắp, lúa...".

Đoạn "phim hành động" này được chiếu từ 1 - 3 giờ sáng. "Hết phim", ông "khịt khịt" bỏ vô rừng. Riêng đợt bị voi quậy phá này, xã đã phải trợ cấp cho 5 hộ dân bị thiệt hại nhiều nhất. Còn những hộ bị phá nhẹ, họ cũng chẳng buồn làm đơn thưa, khai báo xin đền bù. Người dân chỉ nhớ như in hình ảnh "ông" này và kêu "ông" là "ông ngà quỷnh" bởi ông có cặp ngà mọc so le, cái chĩa lên, cái quặp xuống.

Ông Thương đã gắn bó với cánh rừng này từ năm 1987. Ông kể, trước đây vô rừng gặp voi hoài ông cũng đâu có ngán: “"Ông" đi trước, tôi đi sau, vơ cái là chụp được 5-10 con mòng trong tay". (Bởi voi rất hôi, đi đâu là mòng, bù mắt bu theo đó từng đàn - PV). Về sau này, vì voi vô nhiều nên người dân có kinh nghiệm: hễ thấy mùi bù mắt, mòng dậy lên, bay ào ào là biết voi sắp vô xóm, bà già trẻ con thục mạng chạy trước. Từ năm 1995, ông Thương đã nghe chuyện voi về xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú sát đó. Đồng bào dân tộc ở Phú Túc bên đó đã biết đốt đuốc đuổi đi. Bẵng đi một thời gian, sang năm 2006, người dân bắt đầu thấy bầy voi cạp bìa rừng sát huyện Vĩnh Cửu. Hồi đó, dân còn trồng nhiều điều ở sát bìa rừng. Có khi 3, 4 giờ chiều, đang đập điều, còn nghe tiếng tai voi vỗ "phịt phịt", có người còn thấy voi ở ngay sau lưng. Sợ voi, nhiều người dân đã phải bỏ điều, rút vô làng làm rẫy.

Thời đó, người dân còn đếm được bầy voi có khoảng 12 con, thường chia thành 2 tốp, mỗi tốp đi ăn cách nhau khoảng 3 - 4 km. Theo kinh nghiệm của những người đi rừng thì thực ra chúng cùng một bầy, bởi voi thường sống theo bầy, một bầy "cát cứ" một khu rừng lớn. Lớn nhất trong bầy này là "ông ngà quỷnh", thường đi ăn một mình. Trước Tết năm 2007, nhiều người dân khẳng định "ông" này còn rất hiền. Nhằm Tết, "ông" còn đứng ngay cửa rừng Lâm trường Vĩnh An cho dân coi, dân còn đem mía lại cho "ông" xơi.

Thế mà giờ đây "ông ngà quỷnh" vô phá nhà dân hoài. Trong khi, bầy kia thì chỉ vô nương rẫy, chưa phá nhà. Theo dấu chân voi con để lại, người dân đoán bầy này đã có thêm một thành viên mới được sinh ra.

Ông Nông Văn Lăng, Trạm phó Trạm kiểm lâm Sa Mách suy đoán: "Bầy voi trước ở vùng đất đỏ giáp Tà Lài, huyện Tân Phú. Có thể bên đó đã cạn kiệt thức ăn nên chúng kéo sang bên này". Gần đây nhất, ngày 16.5, bầy voi đi nghênh ngang trên đường chính, tiến về sát trạm. Bản thân nhà ông Lăng ở ngay sát trạm cũng bị các "ông" về hất tung cửa sổ, giật bay nhà bếp. Ông Lăng chẳng buồn sửa lại, để trống trơn từ đó đến giờ. Tuy nhiên ông Lăng khẳng định: "Thực tế, các "ông" chưa tấn công người, chỉ xéo lên hoa màu của bà con trồng sát trạm thôi".

Còi hụ, công cụ chính của người dân để đuổi voi

Nên hòa đồng giữa voi và người

Voi rừng đã về với người dân Phú Lý. Thực tế này đã không còn mới lạ. Với người dân, giờ đây điều họ quan tâm không phải là khi nào "ông" về mà là chung sống với voi như thế nào? Đã có ý kiến chấp nhận rằng: "thôi thì cũng như đồng bào miền Tây phải chung sống với lũ, giờ dân ta phải chung sống với voi".

Nhưng chung sống bằng cách nào, về lâu dài ra sao? Đó là câu hỏi cần sự quan tâm, trả lời từ nhiều cấp, ở tầm chính sách vĩ mô chứ không chỉ gói gọn trong cấp xã, cấp huyện. Bởi bài học voi dữ Tánh Linh còn đó. Khi sức chịu đựng của người dân có hạn, họ sẽ phản kháng mạnh mẽ (chứ không chỉ là xua đuổi "ông" nữa), thì chắc chắn bầy voi sẽ dữ dằn hơn nhiều. Ông Phan Bá Sơn, Phó phân trường 3, Lâm trường Vĩnh An cho biết:

- Theo tôi, voi về là để tìm thức ăn chứ không phải tìm nước. Chúng không thiếu nước. Bởi mỗi lần vô đây, voi đã phải lội qua nhiều sông suối rồi. Quanh trạm này cũng trồng nhiều xoài, chuối, dừa. Giờ voi ăn hết. Năm ngoái, chúng tôi còn trồng mía trước trạm. Giờ cũng hết sạch. Để đuổi voi, phân trường cũng có phương tiện là còi hụ, đèn pha. Trước đây, nghe còi hụ, voi còn chạy thục mạng. Giờ thì hụ còi cũng không hiệu quả nữa. Chúng dỏng tai nghe rồi đi tiếp.

- Nếu tình hình này kéo dài, liệu có nảy sinh sự thù hằn giữa voi và người hay không?

- Theo tôi, chắc chắn sẽ nảy sinh sự thù hằn. Hiện bầy voi còn tương đối lành. Người dân còn tôn trọng, gọi voi bằng "ông". Một phần, những người dân rừng chịu ảnh hưởng của niềm tin tâm linh. Một phần họ còn sợ pháp luật. Pháp luật không cho phép họ xâm hại bầy voi. Cách đối phó cho phép là chỉ được xua đuổi. Tôi lo ngại giờ đến Tết, khoai mì mọc lên cao, khuất tầm nhìn, không biết voi đi đường nào mà lần.  Sức chịu đựng của người dân thì phụ thuộc vào việc voi ra nhiều hay ít. Dân chủ yếu là nghèo, nhà mà có 5 - 10 kg gạo, voi ra ăn, phá hết là người dân chắc chắn bức xúc, vừa mất ăn, vừa bức bối về tư tưởng. Họ sẽ phản kháng.

- Giải pháp hợp lý lúc này theo ông là gì?

- Theo tôi có hai biện pháp. Thứ nhất, chuyển dân. Cách này có thể lâu dài, khó khăn vì chắc quỹ đất có hạn. Cách thứ hai, không chuyển dân được thì nên hỗ trợ xây nhà cho họ. Có nhà xây thì an tâm hơn nhà gỗ, lợp. Buổi tối, nên thắp đèn nhiều cho voi thấy, khỏi vô. Nên có giải pháp làm hòa đồng giữa voi và người.

Ông Nông Văn Lăng, Trạm phó Trạm kiểm lâm Sa Mách có ý kiến:

- "Ông" đi cũng bất ngờ. Lúc thì từ 6 giờ chiều. Có hôm 4 giờ chiều, chúng tôi đi kiểm tra đột xuất, gặp "ông" ngay giữa đường. Trạm chỉ có 7 người. Việc ngăn chặn là khó vì địa bàn quá rộng. Anh em tôi gặp nhiều thì bình tĩnh hơn, còn với dân thì tuyên truyền cho bà con lấy nồi niêu xoong chảo gõ cho "ông" đi thôi. Chúng tôi cũng nghĩ ra nhiều hướng. Chẳng hạn đề xuất dùng "hàng rào điện tử", độ dài khoảng 5 - 10 km dọc bìa rừng (giăng dây điện trần - PV). Nhưng chưa có sự hỗ trợ từ cấp trên, có thể do kinh phí. Trước mắt, trạm đã phối hợp với địa phương, huy động lực lượng trực chốt, xua đuổi. Nhưng do địa bàn quá rộng, từ dốc sông Năng đến cầu Sa Mách, chẳng biết "ông" đi lối nào mà chặn.

Thiếu Gia

>> Kỳ 1: Nỗi sợ ông về

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.