Bão biển ngày càng dữ dội!

08/12/2006 14:15 GMT+7

Chưa bao giờ nước ta phải liên tiếp đối mặt với những cơn bão lớn như lúc này, khi Philippines không còn là “lá chắn” an toàn cho VN. Tiến sĩ Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ) đã thốt lên: “Lại một cơn bão nữa đe dọa Philippines và Việt Nam! Đây là cơn bão rất mạnh, sức tàn phá của nó sẽ rất lớn khi đổ bộ lên đất liền”.

Bão từ đâu đến?

Hôm 6/12, nhóm dự báo Delta của mạng dự báo JTWC (Mỹ) đã thu thập các chỉ dấu nguy hiểm diễn ra từ 8,6 độ vĩ bắc và 141,7 độ kinh đông đến 11,2 độ vĩ bắc và 131,7 độ kinh đông, tức gần Philippines hơn điểm khởi phát của bão Durian. Khi ấy, đánh giá vùng xoáy nhiệt có khả năng hình thành bão trong 24 giờ tới, JTWC đã dùng từ good, trên cả 2 mức poor (không đủ khả năng) và fair (có khả năng mạnh lên). Ở đây, good là đủ khả năng thành bão.


TSR dự báo 1 giờ sáng 13/12 bão sẽ ảnh hưởng VN

Khi được tin này, Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh đã thốt lên: “Lại một cơn bão nữa đe dọa Philippines và Việt Nam! Đây sẽ là cơn bão rất mạnh, sức tàn phá của nó sẽ rất lớn nếu đổ bộ vào nước ta”. Theo ông, những cơn bão gần đây là kỳ lạ vì chúng đã vượt qua quy luật được giới khí tượng quốc tế đúc kết nhiều chục năm. Lắm lúc đường đi của chúng thay đổi nhanh và đột ngột làm hụt hơi các nhà dự báo. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 80 cơn bão mỗi năm. Bão được hình thành ở sáu ổ bão gồm vịnh Bengal và biển Ả Rập, Tây bắc Thái Bình Dương, Đông bắc Thái Bình Dương, Tây bắc Đại Tây Dương, Tây nam Ấn Độ Dương và vùng biển bắc Úc. Trong đó Tây bắc Thái Bình Dương là ổ có nhiều bão nhất (30 cơn/năm, chiếm 38% số bão trên toàn cầu), còn vịnh Bengal và biển Ả Rập có ít bão nhất (6 cơn/năm). VN nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão Tây bắc Thái Bình Dương do khu vực biển Đông là một bộ phận của ổ bão này. Mỗi năm VN đón nhận khoảng 6 cơn bão, ngoại trừ năm nay, Utor đã là bão số 10!

Utor vào biển đông?
Mắt bão Utor đã hiện ra

Lúc 7 giờ 30 sáng 8/12, vệ tinh của JTWC (Mỹ) đã chụp được ảnh mây của cơn bão Utor với mắt bão đã bắt đầu hiện ra tại tâm bão. Mạng HKO (Hồng Kông) dự báo từ 7 giờ sáng 8/12 đến 7 giờ sáng 11/12, bão sẽ dịch chuyển 2 vĩ độ theo hướng Tây bắc từ 9,8 độ vĩ bắc lên 11,8 độ vĩ bắc và đi về phía quần đảo Philippines và đông biển Đông VN được 11 kinh độ (tức gần 1.100km), tính từ 131,9 kinh độ đông tới 120,3 kinh độ đông. Các mạng JTWC (Mỹ), JMA (Nhật), CWB (Đài Loan), BJ (Trung quốc) dự báo tương tự HKO, chỉ lệch nhau 1 vĩ độ và khoảng 1- 2 kinh độ (tức vào biển Đông sâu hơn 100- 200km so với HKO). Sức gió tối đa theo HKO từ 74km/ giờ (8/12) sẽ tăng lên 103km/ giờ (11/12) trong khi JTWC, JMA và BJ dự báo sẽ từ 83km/ giờ (8/12) tăng lên 125km/ giờ (11/12), chưa kể gió giật vùng tâm bão, mạnh hơn nhiều.

Sau 96 giờ theo dõi, lúc 1 giờ sáng 8/12 mạng dự báo JTWC (Mỹ) đã phát cảnh báo số 4 về bão nhiệt đới Utor (tạm dịch Con đường hoảng loạn hoặc Tiếng Thét, do Mỹ đăng ký) đang hoạt động mạnh ngoài khơi Philippines, đi theo hướng Tây - Tây bắc. Theo dự báo, đến 13 giờ ngày 9/12, Utor từ bão nhiệt đới (tropical storm) sẽ tăng cấp bão cuồng phong (typhoon), chuẩn bị đổ bộ phía đông và đông bắc đảo Luzon, gió tối đa 138km - 166km/ giờ. Đến 1 giờ sáng 10/12, bão chưa rời khỏi Philippines, do chướng ngại địa hình, gió giảm còn 120km - 148km/ giờ. Đến 1 giờ sáng 11/12, bão tiến vào phía đông biển Đông, đường thông thoáng và được tiếp thêm nhiệt lượng, gió lại tăng lên từ 140km đến 166km/ giờ trên hành trình 2-3 ngày tiến sâu vào biển Đông. Hướng đi chính của bão vẫn là hướng Tây với tốc độ nhanh, từ 8/12 đến 13/12 nó sẽ vượt quãng đường dài 800km. Càng đi bão càng chếch lên Tây bắc, từ 10,5 độ vĩ bắc (8/12) lên 13,2 vĩ độ bắc (13/12), tương tự lộ trình bão Durian vừa qua dù điểm xuất phát của “Con đường Hoảng loạn” gần Philippines hơn và cao hơn “sào huyệt” bão “Sầu riêng” Durian. Các mạng dự báo khác cũng gần như thống nhất với JTWC về hướng đi và sức gió, tuy mạng HKO (Hồng Kông) cho rằng bão sẽ đi thấp hơn đường dự báo của JTWC một ít. Riêng TSR (Anh) liên tục báo động cấp 2 đối với Philippines. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phía Đông và Đông bắc đảo Luzon sẽ hứng chịu sức gió kinh hoàng trong 24-36 giờ tới.

Báo sẽ theo hướng nào?

Bình luận về bão Utor, TS Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ) cho biết, số lượng bão gia tăng dồn dập có thể do ảnh hưởng của El Nino và hiện tượng hâm nóng toàn cầu (globe warming). Nhất là vào cuối mùa bão như hiện nay, khi gió mùa Đông bắc mạnh lên đã đẩy các cơn bão xuống phía Nam VN. Khi đến đó, bão có thể mạnh hơn lên vì nước biển đang còn ấm. Dự báo El Nino cho biết, nước biển gần vùng xích đạo đã ấm hơn lên trong vài tháng gần đây. Nhận định của ông khá phù hợp với cảnh báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (NCHMF). Trong đêm qua và hôm nay 9/12, một bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống nước ta. Như vậy, Utor có khả năng sẽ bị gió mùa Đông bắc khống chế đường lên phía Bắc và sẽ là cơn bão mạnh, đặc biệt khi vào biển Đông nó đã chuyển sang giai đoạn bão trưởng thành và có khả năng diễn biến vô cùng phức tạp.

El Nino tác động bão?

Cũng theo các chuyên gia, trên những vùng biển nhiệt đới, bão chỉ hình thành khi nước biển trên bề mặt có nhiệt độ từ 26-28 độ C trở lên. Sau khi hình thành, bão di chuyển và tiếp tục được biển tiếp năng lượng để mạnh dần lên. Có bốn giai đoạn chính trong “cuộc đời” một cơn bão gồm giai đoạn hình thành, giai đoạn trẻ, giai đoạn trưởng thành và giai đoạn suy yếu. Bão có thể đổ bộ lên đất liền ở bất kỳ giai đoạn nào, nhưng nguy hiểm nhất là giai đoạn trẻ và giai đoạn trưởng thành vì nếu đổ bộ ở hai giai đoạn này, gió sẽ mạnh và mưa rất lớn. Càng ngày bão càng dữ dội hơn, di chuyển nhanh hơn, chuyển hướng cũng đột ngột hơn và phạm vi hoành hành của bão cũng rộng lớn hơn. Bão không phân biệt địa giới hành chánh do con người vạch ra. Với cơn bão Utor, rất có thể diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh El Nino đang phát triển, mọi người, mọi địa phương cần cảnh giác cao độ là hơn. Nói cách khác, trong thời đại toàn cầu, đã đến lúc cần nhìn bão bằng con mắt khác. Bão bây giờ là siêu bão với đủ khả năng thành bão vượt đại dương, vượt qua nhiều quốc gia và nhiều lần đổ bộ. Không thể “hồn nhiên” càng không thể chủ quan, bàng quan trước bão!

Do lâu nay, khi bão vào VN tối đa chỉ đến cấp 12 nên các chuyên gia dùng thước Beaufort gồm có 12 cấp để ấn định cấp bão. Từ cấp 1 đến cấp 6, sức gió thấp hơn 50 km/h. Cấp 7 có sức gió 51-62 km/h, cấp 8 có sức gió 63-75 km/h, cấp 9 có sức gió 76-87 km/h, cấp 10 có sức gió 88-102 km/h, cấp 11 có sức gió 103-117 km/h, và cấp 12 có sức gió trên 117 km/h.

Tuy nhiên, với những cơn bão lớn như hiện nay, thước Beaufort đã có phần “lạc hậu”. Vì vậy, thỉnh thoảng thước này được nới thêm 4 cấp để ấn định bão có sức gió trên 117 km/h dựa theo thước Saffir-Simpson vẫn được dùng để ấn định cấp bão ở Ðại Tây Dương. Cấp 13 có sức gió 118-153 km/h (tương đương với cấp 1 của thước Saffir-Simpson), cấp 14 có sức gió 154-177 km/h (tương đương với cấp 2 của thước Saffir-Simpson), cấp 15 có sức gió 178-209 km/h (tương đương với cấp 3 của thước Saffir-Simpson), và cấp 16 có sức gió 210-249 km/h (tương đương với cấp 4 của thước Saffir-Simpson). Trên 250km/ giờ thì gọi siêu bão, tức cấp 17 lên vô cấp.

Tại bản tin về El Nino do NOOA (Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa kỳ) cập nhật ngày 7/12, trong vài tháng gần đây hầu hết vùng biển xích đạo Thái Bình Dương từ 170 độ kinh đông đến ven bờ biển Nam Mỹ, nhiệt độ nước biển tăng từ 1,1- 1,3 độ C. Điều này tác động xấu đến các hoạt động của sóng biển trên các đại dương. Trong đó, vùng bờ biển phía tây Nam Mỹ, dọc theo Ecuador và bắc Peru đã ấm hơn lên trong nửa tháng 12/2006. Hầu hết các mô hình dự báo đều cho rằng El Nino có điều kiện mạnh lên từ 12/2006 đến 2/2007, mãi đến 3/2007- 5/2007 El Nino mới yếu đi.

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.