Chính phủ đề xuất 10 triệu tỉ cho tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới

20/10/2016 16:36 GMT+7

Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, được Bộ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội chiều 20.10.

Theo Bộ trưởng Dũng, nguồn lực này sẽ nằm trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Tái cơ cấu “quyết liệt” hay “đẩy mạnh”?
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 của Chính phủ đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, trong đó trọng tâm tập trung vào phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước và thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tính dụng và thị trường chứng khoán..
Đánh giá định lượng tác động của các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 Bộ trưởng Dũng cho biết, có hai khả năng là thực hiện tái cơ cấu rất quyết liệt, có nhiều đột phá (kịch bản 1) và khả năng đẩy nhanh tái cơ cấu (kịch bản 2).
Theo đánh giá của Chính phủ việc thực hiện quyết liệt hoặc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới đều mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế và mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên kịch bản tái “quyết liệt” được Chính phủ cho rằng sẽ tạo ra những kết quả rõ ràng hơn, đặc biệt trong trung hạn và dài hạn.
Tái cơ cấu còn tồn đọng nhiều vấn đề
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh Ảnh Ngọc Thắng
Trình bày báo cáo thẩm tra Kế hoạch tái cơ cấu của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quá trình cơ cấu 2011 - 2015 đã bước đầu nâng cao kỷ cương trong đầu tư công; hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu..
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi.
“Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Đặc biệt, theo báo cáo thẩm tra, các vấn đề tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua còn nhiều, những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Đề nghị thành lập nhóm các cơ quan Quốc hội theo dõi tái cơ cấu
Về kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Kinh tế cho biết trong các kịch bản Chính phủ đưa ra thì kịch bản 1 tăng trưởng GDP cao nhất (7,01%/năm), kịch bản 2 là 6,86% và kịch bản cơ sở là 6,55%; lạm phát bình quân hàng năm tương ứng 3,5%; 4,5% và 5%.
Theo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ dự kiến tiếp cận theo kịch bản đẩy nhanh tái cơ cấu (kịch bản 1), tuy nhiên tiếp cận kịch bản “tái cơ cấu quyết liệt” ở nội dung có khả năng đẩy nhanh tốc độ. Đối chiếu các chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế cho rằng mức tăng GDP trong 3 kịch bản đều phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5-7%/năm) nhưng chỉ kịch bản 1 có mức lạm phát phù hợp (“phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020”).

tin liên quan

Xin thêm 96.000 tỉ đồng để tái cơ cấu nông nghiệp
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tái cơ cấu nông nghiệp tại Hà Nội ngày 25.8, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ bố trí thêm tối thiểu 96.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 để cải thiện tình trạng ì ạch của quá trình tái cơ cấu trong 3 năm qua và hoàn thành các chỉ tiêu tái cơ cấu.
Tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP kịch bản 1 (32,38%), kịch bản 2 (30,9%) đáp ứng mục tiêu (30 - 35%) nhưng chỉ kịch bản 1 có bội chi NSNN trung bình khoảng 4% (kịch bản 2 cao, 4,89%), cần dự báo bảo đảm mục tiêu “bội chi NSNN năm 2020 dưới 4% GDP”. Do vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tiếp cận chủ yếu theo kịch bản 2 như đề xuất là chưa thuyết phục.
Việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu được Ủy ban Kinh tế đánh giá là khâu yếu nhất do vậy Ủy ban yêu cầu cần quyết liệt hơn. Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 để nâng cao tính pháp lý triển khai tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời đề nghị tăng cường giám sát của Quốc hội. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị thành lập nhóm theo dõi việc tái cơ cấu gồm đại diện các cơ quan Quốc hội.
“Đề nghị UBTVQH tăng cường chất vấn (2 - 3 lần/năm) về tái cơ cấu; đề nghị Chính phủ hàng năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm, báo cáo hàng quý gửi Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội khác”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.