Cơ chế nào để “không thể tham nhũng” ?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/07/2018 06:51 GMT+7

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng hôm 25.6 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu cụ thể 6 vấn đề cần tập trung, trong đó có việc xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Để góp thêm sức mạnh cho cuộc chiến chống tham nhũng, Thanh Niên mở chuyên mục Hiến kế phòng chống tham nhũng, ghi nhận và đăng tải những ý kiến xác đáng về giải pháp xây dựng cơ chế phòng ngừa để những ai muốn tham nhũng cũng không dám, không thể thực hiện.
Bài vở cộng tác, xin gửi về địa chỉ Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM hoặc email: duongdaynong@thanhnien.vn, ghi rõ gửi chuyên mục Hiến kế phòng chống tham nhũng. Ngoài bút danh, tác giả cần nêu rõ địa chỉ và điện thoại để tòa soạn tiện liên lạc.
Báo Thanh Niên xin trân trọng mọi ý kiến gửi tới chuyên mục.
Sai phạm mà chỉ xử lý đến cấp phó thì khó ngăn tham nhũng
Cần phải thành lập một ủy ban giám sát quyền lực quốc gia trực thuộc Quốc hội. Một cơ quan tương tự như Kiểm toán Nhà nước, do một phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp làm chủ nhiệm. Ủy ban này sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước, từ Chính phủ trở xuống
 
Đề cập tới giải pháp để kiểm soát quyền lực như một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), cho rằng điều tiên quyết là phải làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu.
Theo ông Cương, tất cả những vụ việc tiêu cực, sai phạm xảy ra gần đây của cán bộ, quan chức đều có nguyên nhân từ việc không được quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu. Vì quy định không rõ, nhiều người mới dễ dàng bóp méo, lợi dụng các quy định để tư lợi.
“Cái dở của nền hành chính VN chính là trách nhiệm thuộc về tập thể. Về nguyên tắc, trong nền hành chính hiện đại, một cơ quan, tổ chức chỉ một người chịu trách nhiệm chủ yếu thôi và đó là người đứng đầu. Trong một bộ, một tỉnh mà có sai phạm thì ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm. Ở ta thì chỉ xử lý đến cấp phó”, ông Cương nói.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Cương, trước hết cần phải sửa lại toàn bộ hệ thống luật pháp trên nguyên tắc xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn cá nhân của người đứng đầu: “Trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu tới đâu? Nếu có sai phạm thì ai xử lý, xử lý ra sao? Tất cả phải quy định rõ”.
Cơ quan giám sát quyền lực phải độc lập
Cơ chế nào để “không thể tham nhũng” ?
Ảnh: Lê Hiệp

Các cơ quan giám sát quyền lực trong hệ thống của chúng ta hiện nay không thiếu, song như ông nói, việc giám sát quyền lực vẫn còn lỏng lẻo, nhiều sơ hở. Vậy, vấn đề nằm ở đâu, thưa ông?
Hiện nay, cơ quan giám sát trong bộ máy nhà nước thì chúng ta có các cơ quan thanh tra, từ Chính phủ cho tới cấp sở. Tuy nhiên, các cơ quan thanh tra của chúng ta không phải là một cơ quan hoạt động độc lập mà lại là một đơn vị trực thuộc các tỉnh, bộ, ngành. Chánh thanh tra do chính người đứng đầu các tỉnh, bộ, ngành bổ nhiệm. Điều này làm mất đi tính độc lập của cơ quan thanh tra. Đã là thuộc cấp thì làm sao dám thanh tra cấp trên của mình?
Ý ông là cần thay đổi mô hình hoạt động của các cơ quan giám sát như thanh tra?
Trong hệ thống nhà nước, ngoài thanh tra còn có một cơ quan giám sát nữa là Kiểm toán Nhà nước với chức năng thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tuy nhiên, khác với thanh tra, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Quốc hội, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc chuyển Kiểm toán Nhà nước sang trực thuộc Quốc hội cho thấy là đúng.
Vì thế, tôi cho rằng, cần phải tổ chức lại Thanh tra Chính phủ theo mô hình của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, cần phải thành lập một ủy ban giám sát quyền lực quốc gia trực thuộc Quốc hội. Một cơ quan tương tự như Kiểm toán Nhà nước, do một phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp làm chủ nhiệm. Ủy ban này sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước, từ Chính phủ trở xuống. Có như vậy, hoạt động thanh tra, giám sát mới thực sự có hiệu quả.
Cạnh tranh, minh bạch trong tuyển chọn cán bộ
Ông có cho rằng, vấn đề của chúng ta không chỉ là cơ quan giám sát quyền lực có vấn đề mà việc chọn người vào các vị trí quyền lực cũng đang có vấn đề?
Đúng quá, vì việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch. Công tác đánh giá cán bộ có quá nhiều vấn đề từ việc nể nang rồi phe cánh, nhóm lợi ích chi phối. Một cô “hot girl” không biết từ đâu ra mà chỉ trong vòng vài năm, từ một nhân viên bình thường đã lên chức phó phòng, trưởng phòng, vào ban chấp hành đảng ủy sở, rồi lại quy hoạch làm phó giám đốc. Một anh “công tử” con bí thư tỉnh, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tại Quảng Nam... Chúng ta có đủ thứ quy trình nhưng người ta luôn sẵn sàng bẻ cong mọi quy trình ấy. Chính việc không công khai, minh bạch đã tạo kẽ hở cho tệ lậu như phe cánh, nhóm lợi ích trong tuyển chọn cán bộ.
Vậy việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ phải như thế nào mới gọi là công khai, minh bạch?
Chỉ có một cách là tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ qua thi tuyển cạnh tranh. Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII của Đảng cũng đã nói rất rõ: Phải xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.
Chẳng hạn, một tỉnh cần tuyển một giám đốc sở GD-ĐT thì chọn vài ba người cho thuyết trình cạnh tranh nhau để hội đồng nhân dân tỉnh đó lựa chọn. Thậm chí, ngay cả Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh cũng nên như vậy. Chọn 2 - 3 ứng viên trình bày phương án để hội đồng nhân dân, Quốc hội lựa chọn. Trước đây đã có lần chúng ta làm như vậy rồi.
Cạnh tranh dứt khoát phải như vậy. Không cạnh tranh, không công khai, minh bạch thì không thể chọn được người có tài, có đức. Những người có tài năng thực sự, người ta đã quá ngán cái quy trình hiện nay ở các cơ quan nhà nước rồi.
Tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát
Chúng ta bàn nhiều đến cơ quan giám sát từ bên trong nhưng sự giám sát từ bên ngoài của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội cũng rất quan trọng. Theo ông, các thiết chế này đã phát huy hết vai trò giám sát quyền lực của mình hay chưa?
Điều lệ Đảng đã quy định rõ: Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Thực tế, Đảng và Nhà nước ta có truyền thống tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện đặc biệt là của trí thức. Chẳng hạn trước đây, phương án ban đầu xây dựng đập thủy điện Sơn La với cao trình lên tới 296 m đã được Bộ Chính trị quyết. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nói không được, với cao trình ấy nếu đập vỡ thì Hà Nội cũng sẽ bị cuốn trôi. Cuối cùng, Bộ Chính trị cũng đã thay đổi quyết định, hạ cao trình của đập thủy điện Sơn La xuống chỉ còn từ 215 - 230 m.
Vì vậy, tôi cho rằng, vấn đề là Đảng, Nhà nước phải tạo điều kiện, tạo cơ chế để các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà trí thức, khoa học rồi báo chí thực hiện giám định, phản biện với tất cả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cơ chế để người dân tham gia giám định, phản biện vẫn chưa rõ ràng, dù điều này đã được nói đến rất nhiều từ Đại hội IX, Đại hội X chứ không phải tới giờ mới nói.
Theo ông, điều kiện tiên quyết để có được cơ chế này là gì?
Điều kiện tiên quyết là bộ máy nhà nước mà chủ yếu là bộ máy hành chính phải thực sự công khai, minh bạch. Minh bạch, công khai trong thực hiện chính sách, trong các dự án và để cho người dân tham gia, góp ý trực tiếp vào đấy. Hiến pháp của chúng ta cũng đã quy định, quyền lực thuộc về người dân.
Tôi tin rằng, nếu người Hà Nội được góp ý kiến trước khi triển khai thì sẽ không có BRT (dự án xe buýt nhanh Hà Nội - PV). Nếu như đường ống nước sông Đà được đưa ra đấu thầu công khai thì không thể có chuyện vỡ tới hơn 20 lần. Vì vậy, tôi nghĩ, trừ khi những dự án, kế hoạch thuộc bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng, còn lại, tất cả chính sách liên quan tới quốc kế dân sinh, người dân cần phải được biết và tham gia ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.