Chưa yên tâm với phương án xử lý sạt lở

29/07/2012 03:49 GMT+7

Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak tiếp tục gia cố các điểm sạt lở tại suối Cát (H.Tây Sơn, Bình Định) theo phương án cũ, từng triển khai mà không hiệu quả.

Ngày 28.7, ông Võ Lũy, Trưởng ban Quản lý dự án thủy điện 7 (gọi tắt là Ban 7), chủ đầu tư Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak, cho biết đơn vị này đang phối hợp với UBND H.Tây Sơn (Bình Định) khảo sát, xử lý những điểm sạt lở dọc suối Cát. Phương án xử lý mà Ban 7 thực hiện là đóng cọc tre, đổ đá và bao tải đất gia cố lại những đoạn kè đã bị sạt lở, hư hỏng. Ngoài ra, Ban 7 cũng đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây dựng cây cầu qua suối Cát tại điểm nằm giữa xã Tây Thuận và Tây Giang (H.Tây Sơn) để phục vụ việc đi lại của người dân.

Chưa yên tâm với phương án xử lý sạt lở
Bờ kè bằng cọc tre kết hợp với bao tải đất tại suối Cát - Ảnh: Hoàng Trọng

Tuy nhiên, phương án xử lý các điểm sạt lở dọc suối Cát mà Ban 7 đang thực hiện tại các xã Tây Thuận, Tây Giang khiến nhiều người dân địa phương không yên tâm. Đặc biệt, đường dây điện cao thế gần suối Cát sẽ bị ngã xuống nước nếu không có phương án xử lý an toàn tại những điểm gần trụ điện. Ông Nguyễn Xuân Thanh (49 tuổi, ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) cho biết: “Bờ kè tạm bằng cọc tre và bao tải đất từng được Ban 7 xây dựng dọc suối Cát không thể chống chọi với dòng nước nên đã bị sạt lở. Bây giờ lại gia cố theo phương án cũ thì làm sao an toàn? Mùa mưa lũ đang đến gần, mong các cơ quan chức năng có hướng xử lý an toàn những điểm sạt lở để người dân chúng tôi yên tâm sống, sản xuất”.

Như Thanh Niên đã phản ánh, Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak xả nước đã biến dòng chảy của suối Cát (chảy qua H.Tây Sơn) vốn rộng chưa đầy 10 m nay đã lên gần 100 m khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị cuốn trôi. Hiện việc xả nước của nhà máy thủy điện này không ổn định càng làm tăng khả năng sạt lở, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ lưu kênh xả.

Buộc các dự án thủy điện trồng bù diện tích rừng

Ngày 28.7, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh việc bố trí quỹ đất cho chủ đầu tư các công trình thủy điện trồng rừng mới thay thế rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng công trình thủy điện, bắt buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện phải trồng bù diện tích rừng theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án thủy điện phải đóng góp bằng tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để điều tiết trồng bù rừng theo quy định đối với các dự án thủy điện có yêu cầu phải trồng lại rừng nhưng không có quỹ đất.

Nghị định 99/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó có quy định các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ rừng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là 20 đồng/kWh điện thương phẩm. Nhưng từ năm 2011 đến nay, hầu hết các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn chưa nộp phí dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Kon Tum với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Hiển Cừ - Anh Đào

>> Vụ thủy điện An Khê - Kanat xả lũ gây thiệt hại: EVN đền bù gần 3,2 tỉ đồng

Hoàng Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.