Chúng tôi đã đi cùng nỗi đau và niềm tự hào

27/07/2016 09:00 GMT+7

Bây giờ thì tôi hiểu: vì sao nỗi đau và niềm tự hào vẫn có thể đi chung với nhau, vẫn được thể hiện cùng một lúc nơi một con người

Cách đây đã nhiều năm, trong dịp đi dự Festival Thơ lần thứ 35 tại Rotterdam (Hà Lan), có một buổi chiều bố con tôi đang dạo phố thì đột nhiên bị một tốp thanh niên Hà Lan chặn lại. Dĩ nhiên là họ rất lịch sự khi hỏi con tôi: “Các anh có phải người Việt Nam ?” Chúng tôi đáp phải. Một thanh niên trong đám, da trắng nhưng tóc hơi xoăn, tỏ ra rất vui: “Việt Nam đánh thắng Mỹ, can đảm lắm! Tôi thích Việt Nam”. Tôi bảo con tôi hỏi xem cậu bạn ấy có phải người Hà Lan, thì cậu ta vui vẻ nói: “Tôi là người gốc Ma Rốc, nhập cư Hà Lan”. Trao đổi thêm với nhau mấy thông tin và dự đoán về…bóng đá, vì thời gian ấy đang diễn ra EURO 2004 tại Bồ Đào Nha mà đội tuyển Da cam góp mặt, tốp thanh niên chào chúng tôi và chia tay. Chỉ thế thôi, nhưng tự nhiên tôi cảm thấy bứt rứt.

Người trẻ như chúng tôi hồi ấy cũng xa lạ với sự dựa dẫm, dù là dựa dẫm những hào quang của cha anh mình, 'những hào quang có sẵn'. Có gì ghê gớm lắm đâu nhỉ ?

Nhà thơ Thanh Thảo


Đúng là có những lúc chúng ta rất buồn rất đau về tình trạng đất nước mình, nhưng không vì thế mà xương máu của hàng triệu người Việt Nam hy sinh, mất mát trong suốt 30 năm chiến tranh lại có thể bị lãng quên hay xa lánh. Tôi cũng đã từng cố quên những gì mình đã trải qua trong chiến tranh, đã từng, theo cách nói của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, là cố “quét” cuộc chiến tranh ra khỏi đời mình như kiểu người ta quét nhà mỗi sáng. Nhưng không được. Không thể được. Cuộc chiến tranh ấy là một phần đời anh, có khi là phần đẹp đẽ nhất của đời anh, phần nhiều xúc cảm nhất, đau xót nhất nhưng cũng đáng tự hào nhất. Vậy thì cớ gì anh lại cố “quét” nó ra khỏi bộ nhớ của mình? Cảm ơn người bạn trẻ Hà Lan gốc Phi châu đã nhắc tôi đến niềm tự hào - qua biết bao đau thương bất hạnh - mà dân tộc ta có được sau khi đã giành về một đất nước Việt Nam hòa bình và thống nhất. Chỉ cần nhớ lại cảm giác của ngày 30.4, của suốt tháng 5.1975 tại Sài Gòn, là những người thuộc thế hệ tôi chợt thấy xốn xang thấy trào lên trong mình bao nỗi niềm. Tôi rất tiếc, khi xem những phim tài liệu gọi là kinh điển của các nhà làm phim Việt Nam như “Thành phố lúc rạng đông” hay “Tháng 5 - những gương mặt”…thì những trường đoạn về đoàn quân giải phóng lúc rời Sài Gòn hành quân về những căn cứ thuộc ngoại vi, trên vai mỗi người lính đều khoác một cái sườn xe đạp và trong ba lô là một con búp bê nhựa mặc áo váy màu sặc sỡ, những trường đoạn mà tôi cho là vô giá cho một bộ phim tài liệu về ngày kết thúc chiến tranh đã không thấy xuất hiện trong những bộ phim ấy. Mặc dù, có thời gian đi với một đoàn làm phim, tôi đã thấy các anh quay rất kỹ những “đúp” phim này.
Những người lính Giải phóng trên đường phố Sài Gòn ngày 30.4.1975 Ảnh: Nguyễn Đạt
Sao thế nhỉ ? Tôi nhớ, trong bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình tôi viết năm 1973, nếu không có những chi tiết như thế này: “Những trận đánh ập về đầy trí nhớ/pháo chụp nổ ngang trời từng bựng khói/nhịp tim dập dồn giờ xuất kích đầu tiên/bình tông cạn khô trên nóc hầm nồng khét/những vỏ đồ hộp lăn lóc/cái im lặng ù tai giữa hai đợt bom/một tiếng gà bất chợt/bên bờ kênh hoang tàn...”. Nếu không có những chi tiết thực, không tránh né, thì làm sao có tác phẩm nghệ thuật, dù đó là bài thơ hay một bộ phim. Cũng trong bài thơ ấy, tôi có viết một câu mà sau khi lần đầu được in trên một tờ tạp chí ở chiến trường, tôi đã bị “hành” tới bến: “thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm/không dựa dẫm những hào quang có sẵn/lòng vô tư như gió chướng trong lành/như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh”. Đúng là thời ấy chúng tôi còn rất trẻ, mà người trẻ thì ít khi, hoặc không muốn và cũng không sống bằng kỷ niệm, dù là kỷ niệm đẹp. Người trẻ luôn phóng chiếu bản thân mình về phía trước, thích dấn thân, thích khám phá cái chưa biết, và cũng không có thời gian để chắt chiu dành dụm những kỷ niệm. Người trẻ như chúng tôi hồi ấy cũng xa lạ với sự dựa dẫm, dù là dựa dẫm những hào quang của cha anh mình, “những hào quang có sẵn”. Có gì ghê gớm lắm đâu nhỉ ?
Chẳng ai muốn đánh Mỹ hay 'đánh' bất cứ ai để có được niềm tự hào, nhưng khi điều không hề mong muốn xảy đến, khi đất đai của ông cha và danh dự của gia đình, của bản thân bị xúc phạm, khi phải chấp nhận chiến tranh, thì khi đó, nỗi đau và niềm tự hào có thể hiện lên cùng một lúc. 
Nhà thơ Thanh Thảo
Vậy mà hồi đó, tôi đã phải trả giá không rẻ cho bài thơ này của mình, một cái giá mà bây giờ tôi lại thấy là “rất hời”. Tôi đã được nhiều hơn là mất sau “tai nạn văn học” ấy. Trước nhất là được những người bạn, những người thông cảm, đồng cảm và chia sẻ với mình. Ngay vào lúc tôi buồn bã và cảm thấy cô đơn nhất, những người bạn làm thơ và không làm thơ, những người bạn đã có chút tiếng tăm hoặc không hề nổi tiếng đã tìm đến với tôi. Nhiều khi chỉ là để anh em mắc võng nằm với nhau “nói bao điều gan ruột/ngay phút mình lặng im”. Nhiều khi chỉ là để nhen lên một bếp lửa nhỏ, nướng hoặc nấu ít củ mỳ (sắn) ăn chống đói và uống dăm ấm trà để thức cùng nhau suốt một đêm. Với chúng tôi ngày ấy, Thơ là thiêng liêng, nhiều khi là nơi duy nhất mình có thể tỏ bày, có thể gửi gắm, có thể một mình tâm sự với mình. Trong ba lô những người lính chúng tôi thuở ấy, nhất là những người lính quê miền Bắc hoặc ra đi từ miền Bắc thường có một quyển sổ nhỏ chép những bài thơ mà họ yêu thích. Có lẽ chưa thời nào mà Thơ được yêu thương như thế, được gần gũi như thế với số phận con người, với cái sống và cái chết của người lính, với nỗi đau và tình yêu khát khao được chia sẻ. Chính nhu cầu được cộng cảm đã đưa thơ đến với con người. Và phải nói thật, những người cần thơ, tìm đến thơ không phải là những người no cơm ấm cật, những người chưa một lần tự hỏi mình, những người luôn được trời phú cho sự thoả mãn tràn trề đầy cả mặt lẫn thân hình. Đó là thời của thơ, dù tiếc thay, ta chưa có nhiều thơ hay ở thời ấy bởi rất nhiều lý do. Người làm thơ phải có được sự tự do tuyệt đối trong tâm hồn, và thơ phải chính là số phận người làm thơ. Không có chuyện thương vay khóc mướn hay ngợi ca véo von dễ dãi mà được thơ hay.
Ánh sáng hoa đăng trong nghĩa trang liệt sĩ ở Đà Nẵng Ảnh: Nguyễn Tú
Nhưng ở những bài thơ thời chiến tranh sáng thăm thẳm như vầng trăng trong hố bom, nhà thơ nhiều khi phải góp máu cả một đời mình. Chỉ cho một bài thơ. Nhớ máu của Trần Mai Ninh, chẳng hạn. Màu tím hoa sim của Hữu Loan, chẳng hạn. Những bài thơ trước lúc hy sinh của Lê Anh Xuân, chẳng hạn. Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, chẳng hạn. Và cả những bài thơ thời ấy chưa được “chính thống” thừa nhận, nhưng chúng vẫn sống vì được người đọc chấp nhận, được những người lính đưa vào ba lô của họ cùng những gói lương khô và mắm ruốc.Thơ có cái lạ là dù vớt từ ống cống lên mà hay thì vẫn thơm, còn được nằm trên mâm vàng đĩa ngọc ướp nước hoa thơm nức mà dở thì vẫn…thối. Người làm thơ cũng vậy. Vì thế thơ luôn bình đẳng ở cái hay và luôn bất bình đẳng ở cái dở. Chiến tranh không làm nhiệm vụ sàng lọc thơ, nhưng chiến tranh đẩy sâu thơ về phía con người, dìm thơ vào số phận con người.
Còn nhớ, khi dự Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 35 tại Rotterdam (Hà Lan), tôi đã nghe ban tổ chức đặt một câu hỏi khá thú vị: “Nếu phải một mình lạc ra ngoài hoang đảo, bạn sẽ mang theo cuốn sách nào?” Dĩ nhiên nhiều nhà thơ trả lời là mang theo một tập thơ hoặc một bài thơ. Tôi nghĩ, từ “hoang đảo” ở đây phải được hiểu đồng nghĩa với nỗi cô đơn. Khi cô đơn, bạn mang theo trong tâm hồn mình cái gì? Những toan tính về quyền lực hay những thèm muốn về tiền bạc chắc khó lọt vào tâm hồn bạn những lúc ấy. Còn gì thích hợp bằng một bài thơ bạn có thể sẻ chia, hay một bài hát nằm sâu trong tầng nhớ quên của bạn chợt lên tiếng. Một người bạn Việt của tôi ở Mỹ - một người đã sống trọn tuổi thơ của mình trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc - thường mail cho tôi nói anh vẫn mở đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam vì thèm nghe lại vài bài hát thời chống Mỹ, những bài hát đã “đi suốt tuổi thơ” anh. “Ở xa xứ mà nghe một bài hát mình thuộc nằm lòng thời ấy coi như mình được an ủi. Đọc một bài thơ hay của thời ấy cũng vậy. Chẳng ai thoát khỏi quá khứ của mình đâu.”
Viếng liệt sĩ ở Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn Ảnh: Nguyễn Phúc
Bây giờ thì tôi hiểu: vì sao nỗi đau và niềm tự hào vẫn có thể đi chung với nhau, vẫn được thể hiện cùng một lúc nơi một con người. Chẳng ai muốn đánh Mỹ hay “đánh” bất cứ ai để có được niềm tự hào, nhưng khi điều không hề mong muốn xảy đến, khi đất đai của ông cha và danh dự của gia đình, của bản thân bị xúc phạm, khi phải chấp nhận chiến tranh, thì khi đó, nỗi đau và niềm tự hào có thể hiện lên cùng một lúc. Thơ thời chiến tranh ra đời ngay những lúc ấy. Nếu “nỗi đau không của riêng ai” thì niềm tự hào cũng vậy. Nó dành cho tất cả những người Việt yêu quê hương đất nước mình, không phân biệt những ranh giới giả định. Những người Việt không muốn, không chấp nhận nỗi xấu hổ vì mình là người Việt. Tôi hỏi anh, nếu anh là người Việt mà anh được nghe như tôi nghe những lời đầy chân thành và cảm khái của một thanh niên Hà Lan gốc Ma-Rốc nói về Việt Nam mình như thế, anh có thấy tự hào ? Dĩ nhiên tôi biết, người ta có thể suy kiệt vì những niềm tự hào quá trớn, những niềm tự hào-ảo tưởng. Và có thể bị kẻ khác tận dụng chính niềm tự hào của mình để làm những việc chẳng mấy tự hào. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản ta tự hào là người Việt Nam sau hai cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ 20, dài tới 30 năm. Tất nhiên, cũng không ngăn cản ta tiếp tục là “người anh em nghèo”, rất nghèo của thế giới. Nhưng nếu ta vẫn nghèo cực như thế mà còn thiếu vắng cả niềm tự hào đích thực của con người, liệu ta sẽ sống ra sao ? Giữa nhớ và quên, thơ giúp ta cầm cự trong những thời điểm khó khăn, lay ta tỉnh lúc ta mê, và ngược lại khiến ta như mê đi khi cảm nhận những giản đơn ấm áp của bàn tay bè bạn, những khoảnh khắc hạnh phúc khi ta phải chờ đợi những gì chưa biết.
Thơ trong chiến tranh lúc giống như người yêu, lúc giống như người đồng đội, lúc lại giống ánh mắt buồn thăm thẳm của mẹ ta. Thơ an ủi con người trong chiến tranh không theo kiểu cha đạo ban phước cho con chiên hay thủ trưởng động viên lính. Nó bất chợt như bàn tay mẹ xoa trên lưng con một chiều trước hôm tiễn biệt. Nó như giọt nước mắt người ta yêu rơi lặng lẽ lúc đoàn tàu chở quân hú lên hồi còi dài trong một buổi sáng mùa đông giáp Tết năm nào. Theo nhịp rung đều đều của con tàu chở quân ra mặt trận, những dòng thơ mập mờ ẩn hiện. Thơ giúp ta nén lòng giây phút ấy. Cảm ơn thơ, nếu không có thơ, tôi chẳng biết mình sẽ trở về thế nào sau chiến tranh, sẽ sống thế nào những năm đầu hòa bình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.