Chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu tâm dịch: Nếu được giao nhiệm vụ mới, chúng tôi sẵn sàng lên đường

Thu Hằng
Thu Hằng
01/08/2020 08:15 GMT+7

'Với chúng tôi, không có việc gì khó, mọi người đều mong muốn có thật nhiều sức khỏe. Nếu được giao nhiệm vụ mới, chúng tôi sẵn sàng lên đường', TS Thân Mạnh Hùng nói.

Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, không chỉ được điều động đến các vùng tâm dịch, các y bác sĩ (BS) còn có mặt trên nhiều chuyến bay để đưa người Việt Nam từ các nước về. Trong đó có chuyến bay số hiệu VN6 đón 219 lao động Việt Nam, có 129 người bị nhiễm Covid-19, từ Guinea Xích đạo đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào chiều 29.7.
Đây là chuyến bay đầu tiên Chính phủ đón công dân bị bệnh về nước chữa trị. Là 1 trong 4 cán bộ y tế của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư có mặt trên chuyến bay này, TS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Tổ trưởng Tổ y tế chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân (BN) và người lao động, chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng tôi bay một chặng đường dài như vậy, tính thời gian cả đi - về là 32 giờ. Hơn nữa, số lượng BN lại quá đông, trong không gian máy bay hẹp và kín, nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay rất cao. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi sẵn sàng lên đường với một tinh thần quyết tâm phải đưa được các lao động về nước an toàn, không để dịch lây nhiễm ra cộng đồng”.

Việt Nam chuẩn bị thế nào để đón 120 bệnh nhân Covid-19 về từ Guinea Xích đạo

Theo BS Hùng, trước chuyến bay, các nhân viên y tế đã có nhiều cuộc làm việc với phi hành đoàn tìm hiểu cấu tạo máy bay, phân chia khu vực, tập huấn cho các thành viên chuyến bay sử dụng các thiết bị phòng hộ, quy tắc an toàn, đưa ra các phương án, kịch bản tránh lây nhiễm và thậm chí đưa ra những tình huống xấu nhất. Ngoài bố trí nhân lực, BV trang bị phương tiện mang theo gồm: 2 máy thở, 2 máy siêu âm, hệ thống ô xy và thuốc men, sẵn sàng cấp cứu cho những trường hợp bệnh trở nặng.
Mặc dù 4 nhân viên y tế được lựa chọn đều là những người trẻ, có sức khỏe, kinh nghiệm xử lý các ca bệnh nhiễm Covid-19, nhưng trong số họ, chưa ai từng trải qua chuyến bay với chặng đường và thời gian dài như vậy. BS Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ y tế trên chuyến bay, kể: “Để hạn chế lây nhiễm, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân và đóng bỉm trong suốt chuyến bay. Trước đây, một ca trực mặc đồ bảo hộ 8 tiếng đã khó chịu lắm rồi, với chuyến bay này, 12 tiếng đóng bỉm, hạn chế tối đa đi vệ sinh, ăn uống... sức khỏe anh em khá mệt, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ”.
Anh Trương Văn Trường, điều dưỡng viên, cho biết: “Trên chuyến bay, một số BN bị sốt cao, sốt rét, đi ngoài, khó thở..., chúng tôi phải làm việc liên tục, xử lý các tình huống và có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Cứ nghĩ đến hình ảnh người lao động Việt Nam đứng ở một góc sân bay Bata chờ đợi hàng giờ, vẫy tay reo hò chờ máy bay đáp xuống, chúng tôi quên hết mệt nhọc”.
“Với chúng tôi, không có việc gì khó, mọi người đều mong muốn có thật nhiều sức khỏe. Nếu được giao nhiệm vụ mới, chúng tôi sẵn sàng lên đường”, anh Hùng nói.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 1.8: Thêm 12 bệnh nhân mới ở Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.