Chuyện buồn vì lỡ yêu 'trẻ con'

26/04/2015 09:51 GMT+7

(TNO) Chuyện bị cáo yêu các cô gái chưa đủ 16 tuổi, đi quá giới hạn cho phép để lại hậu quả: người yêu có con, gia đình người yêu tố cáo phải ra trước vành móng ngựa không phải là chuyện hy hữu.

(TNO) Chuyện bị cáo yêu các cô gái chưa đủ 16 tuổi, đi quá giới hạn cho phép để lại hậu quả: người yêu có con, gia đình người yêu tố cáo phải ra trước vành móng ngựa không phải là chuyện hy hữu.

Trong một số vụ án "giao cấu với trẻ em" bị cáo và con của bị hại có quan hệ máu mủ, ruột thịt - Ảnh minh họa

Không ai được tước quyền làm cha của bị cáo

Vụ án có nội dung đơn giản: Bị cáo Đ.V.T. (26 tuổi, TP.HCM) và người bị hại là H.T.K.L (17 tuổi) quen biết nhau trên mạng và đem lòng yêu nhau từ đầu năm 2013. Từ đó, cả hai thuê phòng khách sạn và tự nguyện giao cấu với nhau. Tuy nhiên, do đang đi học, bị gia đình ngăn cản nên L. nói lời chia tay với T.
Ba tháng sau chia tay, L. tìm gặp và thông báo với T. mình có thai. Chở L. đi khám được bác sĩ thông báo thai nhi 21 tuần tuổi, T. nói với gia đình để hỏi cưới L. Biết chuyện, bố mẹ L. đã tố cáo ra công an. T. bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội “giao cấu với trẻ em” và bị TAND Q.11 tuyên phạt 4 năm tù.
Sau khi tuyên án, phía gia đình người bị hại đã kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường đối với T.
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 24.4 tại TAND TP.HCM, bố bị hại một mực khẳng định mức án tòa sơ thẩm tuyên là quá nhẹ. Ông nói: “Tại sao bị cáo để lại hậu quả nghiêm trọng (bé L. sinh đôi hai bé gái-PV) mà cấp sơ thẩm lại tuyên mức án thấp nhất trong khung”.
Chủ tọa nhẹ nhàng giải thích: “Hành vi phạm tội của bị cáo đã phải lãnh hậu quả nặng nhất là đứng trước tòa ngày hôm nay. Bị cáo phải chịu sự dằn vặt của bản thân, phải chịu trách nhiệm về hình sự lẫn dân sự. Khi xét xử, để lượng hình, HĐXX phải xem xét tình trạng nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo. Bị cáo phạm tội là sai, nhưng pháp luật luôn khoan hồng với những con người biết lỗi và luôn chịu trách nhiệm, muốn tự mình khắc phục hậu quả do mình gây ra”.
“Dù đây là vụ án hình sự nhưng có phần liên quan đến quan hệ máu mủ ruột thịt. Bị cáo cũng là cha hai đứa bé đang là cháu ngoại của ông, nên HĐXX dành thời gian để chia sẻ cho ông hiểu về trách nhiệm cũng như ông có cái nhìn nới rộng suy nghĩ về hậu quả đã xảy ra. Người có tội là bị cáo nhưng hai cháu ngoại của ông là những đứa trẻ không có tội và các bé cũng có quyền như những đứa trẻ khác, quyền được chăm sóc của cả cha và mẹ. Tiếp tục, đại diện Viện KSND cũng lên tiếng: “Khi xét xử, pháp luật luôn dựa vào cả mặt tình và lý. Cái lý trong vụ án chính là sau khi biết sự việc, gia đình phía bị cáo đã sang nhà ông đề nghị được đưa con gái ông và cháu về nhà nuôi dưỡng và chăm sóc. Đây chính là thiện chí của bị cáo và gia đình bị cáo, chứ nếu gặp những người đểu thì đã quất ngựa truy phong rồi. Ông cũng nên mở lòng, bao dung với bị cáo. Bây giờ ông muốn giam bị cáo 7 năm, mức án cao nhất, 7 năm sau bị cáo mới về lao động mới có tiền nuôi các con ông, chu cấp cho các cháu…”, một thẩm phán trong HĐXX giải thích thêm đối với bố người bị hại.
Ngắt lời Viện KSND, bố người bị hại lên tiếng: “Chuyện đó tính sau, giờ tôi muốn bị cáo phải ngồi tù mức cao nhất. Lúc biết chuyện, tôi đã cảnh cáo nó rồi, nhưng nó vẫn dắt con tôi đi, bị cáo quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng nên phải ở tù mức cao nhất. Chứ giờ nó ở 4 năm sau nó ra, nó quay lại với con tôi thì sao con tôi đi học được, chẳng lẽ tôi phải nhốt nó sao”.
Một thẩm phán khác lên tiếng: “Ông phải nhớ rằng, khi bị cáo ra tù, con ông đã trên 18 tuổi, theo quy định pháp luật con ông đã đủ tuổi tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân rồi, ông không thể ép chuyện tình cảm của cháu được nữa, huống gì giữa bị cáo và cháu L. có hai người con. Ông nên mở lòng với bị cáo vì con gái, vì hai đứa cháu ngoại của mình”.
Dù được HĐXX ra sức thuyết phục, động viên nhưng bố người bị hại không thể thay đổi. Sau khi nghị án, HĐXX nhận định: “Xét hoàn cảnh quyền lợi cho hai cháu bé còn nhỏ cần sự chăm sóc và nuôi dưỡng của người cha, nên tạo điều kiện cho bị cáo được sớm về hòa nhập xã hội”.
“Khoan hồng được thì nên khoan hồng”
Cùng phạm tội “giao cấu với trẻ em” nhưng bị cáo L.Đ.T.Tân (24 tuổi) may mắn hơn khi được TAND TP.HCM sửa án sơ thẩm theo hướng Tân phạm tội nhưng không áp dụng hình thức phạt tù. Trước đó, xử sơ thẩm TAND Q.8 xử phạt Tân mức án 3 năm 6 tháng tù.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định mặc dù bị cáo quan hệ với thiếu nữ chưa đủ 16 tuổi dẫn đến mang thai là vi phạm pháp luật, tuy nhiên sau đó cô gái đã về sống với gia đình bị cáo, có cuộc sống và nơi ở ổn định. Ngoài ra, khi phạm tội bị cáo còn rất trẻ, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, lạc hậu nên tòa chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm tuyên bị cáo không phải chấp nhận hình phạt tù.
Cuối năm 2009, Tân và H. (lúc đó chưa 16 tuổi) quen nhau ở tiệm net. Sau đó, thấy hoàn cảnh H. khó khăn, cha mất, mẹ có gia đình mới, Huyền ở với bà ngoại nên Tân dẫn H. về trình bày với cha mẹ rồi về sống chung với nhau. Sau khi H. sinh được hai con gái thì Tân bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Nhớ lại cách đây 2 năm, sau khi tuyên Tân được miễn phạt tù, trao đổi với các phóng viên, thẩm phán Phạm Đức Oánh, chủ tọa phiên tòa chia sẻ: “Trong cuộc đời làm thẩm phán đây là trường hợp đầu tiên mà tôi tuyên miễn hình phạt tù về tội giao cấu với trẻ em. Trường hợp của bị cáo này quá đặc biệt, phạm tội khi mới 18 tuổi, trình độ nhận thức lạc hậu, mặt khác bị cáo đã có trách nhiệm với vợ và con nên cần được xem xét và khoan hồng vì H, vì hai đứa con của bị cáo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.