Chuyện ghi ở Khu lưu niệm Bác Tôn

20/08/2008 19:54 GMT+7

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng vào năm 1988, nằm đối diện với ngôi nhà thuở thiếu thời của Bác ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang.

Một tuần, trước lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, không khí ở đây đã rất tất bật. Các bạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) chia ra từng nhóm dọn dẹp lá cây, kê đặt hiện vật trưng bày. Bên chiếc máy bay đã từng đưa Bác Tôn về miền Nam thăm quê hồi đất nước mới giải phóng, chúng tôi chứng kiến gần 30 giảng viên, ĐVTN trường Chính trị Tôn Đức Thắng đang lau chùi để kịp phục vụ khách tham quan.

Anh Phạm Văn Sơn, giảng viên khoa Triết, nói: "Hôm nay chúng tôi đưa các bạn ĐVTN của trường về đây trước là dâng hương tưởng niệm Bác, sau là tham gia lao động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn. Ai cũng nhiệt tình làm với mong muốn góp chút công sức nhỏ nhoi cho ngày lễ thêm chu tất. Chúng tôi hy vọng qua chuyến đi này, các bạn ĐVTN trong trường sẽ ra sức học tập và rèn luyện để xứng đáng là con cháu của Bác". 

TP.HCM mít tinh kỷ niệm 120 năm  ngày sinh Bác Tôn

Hôm qua 19.8, lãnh đạo Đảng, chính quyền và LĐLĐ TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đến dự lễ có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, ông Võ Thanh Khiết - Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể, đông đảo đoàn viên và thanh niên công nhân TP.HCM. 

Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao 10 giải (1 nhất, 2 nhì, 3 ba và 4 khuyến khích) cho 10 nhóm tác giả đã đoạt giải cuộc thi thuyết trình "Chủ tịch Tôn Đức Thắng" năm 2008.

N.Thủy

Chúng tôi xin gặp riêng ông Tám Tri (Nguyễn Văn Tri), Trưởng ban quản lý Khu lưu niệm Bác Tôn, chỉ 15 phút thôi, cũng rất khó khăn. "Việc nhiều quá, các anh thông cảm. Suốt hơn một tháng nay, ngày nào tôi cũng đến đây lúc hừng đông và đến tối mịt mới về", ông Tám Tri nói. Ông Tám Tri từng có 10 năm làm Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng và hơn 10 năm làm Trưởng ban quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Những câu chuyện về Bác Tôn ông nghe kể rất nhiều.
 
Câu chuyện Bác Tôn từ nhà tù Côn Đảo về thăm mẹ vào năm 1945 đã được ông soạn thành bài ca vọng cổ rất xúc động. "Hình ảnh Bác Tôn càn lau sậy, lao vào lòng mẹ và hình ảnh Bác chia tay với mẹ già để tiếp tục hành trình cách mạng chỉ sau một đêm sum họp, khiến tôi day dứt mãi", ông Tám Tri nói. Chuyện những cụ già từ Tiền Giang năm nào mang vú sữa Vĩnh Kim đến giỗ Bác Tôn; chuyện những bậc cao niên Mỹ Hòa Hưng cứ mỗi lần có công trình nào được khởi công xây dựng, lại đến thắp nhang tạ ơn Bác... 

Ông Tám Tri có nhiều "lính" trẻ, cô nào cũng đẹp và kể chuyện về Bác Tôn rất rành rọt. Tôn Thị Thu Ba, cháu cố của người em trai Bác Tôn, hiện là thuyết minh viên ở đây. Mấy tháng trước, cô được phân công thuyết minh cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ông đến thắp hương viếng Bác Tôn. "Được làm người con của quê hương Bác Tôn đã là một vinh dự. Được là con cháu chung dòng máu với Bác, càng vinh dự hơn. Nhưng với em, hằng ngày được giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Bác với khách thập phương là vinh dự lớn nhất", Thu Ba nói.  Đàn chị của Thu Ba là Dương Thị Bảo Châu thì bảo rằng càng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn, cô càng kính trọng, quý mến và biết ơn Bác nhiều hơn. Bảo Châu kể, cách đây 2 năm, có một đoàn khách đến viếng ngay ngày giỗ Bác. Cô giới thiệu cho khách những câu chuyện về Bác, như chuyện Bác trả lại một số tiền lớn được nước bạn tặng, chỉ giữ lại một ít mua chiếc cối xay tiêu tặng vợ; chuyện Bác tự sửa xe đạp; chuyện Bác khoét lỗ đôi giày các chiến sĩ tặng để mang vừa chân... Cô kể say sưa, chừng ngoảnh lại thấy mọi người mắt đỏ hoe. Thế  là cô bật khóc ngon lành. "Cả đoàn tham quan mấy chục người ai cũng khóc. Phải là một lãnh tụ công đức lớn lao lắm mới có thể làm xúc động lòng dân đến như vậy", Bảo Châu nói.

Chưa đầy 3 tháng phát động, cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng" đã thu hút trên 87.000 bài dự thi. Trong đó, tham gia đông nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên (với hơn 69.000 bài). Nội dung các bài thi thể hiện tình cảm của thế hệ trẻ đối với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Nhiều bài viết thể hiện sự thán phục và lòng quyết tâm học tập những đức tính giản dị, cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Bác.

Tỉnh An Giang đã quyết định đầu tư hơn 10 tỉ đồng để trùng tu và xây dựng một số công trình tại Khu lưu niệm của Bác Tôn tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên. Số vốn trên được đầu tư cho 6 hạng mục chính và 9 hạng mục phụ. Các hạng mục chính, gồm: xây dựng cầu dẫn, sơn sửa đền thờ, đại tu nhà trưng bày, sơn sửa nhà sàn, xây dựng 3 nhà nghỉ mát, xây dựng mô phỏng nhà Bác Tôn ở An toàn khu Việt Bắc.

Trường Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.