Chuyện lạ ở TP.HCM: Thanh tra ngân hàng tự ý "kết hôn" cho khách hàng !

31/03/2006 00:13 GMT+7

Vào tháng 2.2006, ông Nguyễn Văn Phong (ngụ tại 631 Hùng Vương, P.12, Q.6, TP.HCM) ký kết hợp đồng vay tiền tại Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam (TP.HCM) nhằm mục đích kinh doanh. Bản thân ông Phong đã lập gia đình vào năm 2004 với bà Nguyễn Ngọc Bảo Trân. Cũng vào thời điểm này, bà Nguyễn Thị Xuân Trang (ngụ tại 52-54 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8, TP.HCM) cũng ký kết vay tiền tại Sở Giao dịch Ngân hàng Phương Nam. bà Trang cũng vừa đính hôn vào tháng 4.2006. Chuyện vay tiền và cuộc sống của hai cá nhân này lẽ ra sẽ chẳng có gì nếu như không có sự xuất hiện của cán bộ thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM.

Số là vào ngày 22.2.2006, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM đã thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra đối với Ngân hàng Phương Nam TP.HCM. Chuyện thanh tra là bình thường với mọi ngân hàng, nhưng ở đây lại là một chuyện cười ra nước mắt liên quan đến 2 khách hàng của ngân hàng là ông Phong và bà Trang nói trên. Sau khi tiến hành thanh tra 2 hợp đồng cho vay, chẳng hiểu căn cứ vào đâu và vì lý do gì mà cán bộ thanh tra Nguyễn Tín đã "phán" trong biên bản thanh tra lập lúc 14 giờ ngày 22.3.2006 với nội dung: "02 khách hàng (tức ông Nguyễn Văn Phong và bà Nguyễn Thị Xuân Trang) có mối quan hệ vợ chồng..."!?

Thiệt hết biết! Bản thân ông Phong đã kết hôn và có đăng ký kết hôn cùng với bà Nguyễn Ngọc Bảo Trân và cả hai sống với nhau vô cùng hạnh phúc, vậy mà chỉ vì tờ biên bản nêu trên, bà Nguyễn Ngọc Bảo Trân - vợ ông Phong đã lên cơn đau tim đột ngột phải nhập viện cấp cứu hơn 1 tuần qua. Còn phía bà Nguyễn Thị Xuân Trang thì bị chồng sắp cưới và gia đình bên chồng tỏ vẻ ngờ vực trong khi ngày cưới đã định.

Trao đổi với chúng tôi về việc làm kỳ quặc này của cán bộ thanh tra, ông Trần Ngọc Minh - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM cho biết: "Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với cán bộ thanh tra trực tiếp lập biên bản này để tìm hiểu nguyên do của sự việc. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì biên bản thanh tra chưa phải là kết luận cuối cùng của đợt thanh tra nên sự nhầm lẫn (nếu có) này sẽ sớm được xem xét, điều chỉnh lại"!?

Một cán bộ thanh tra chắc chắn phải hiểu cần phải cẩn trọng như thế nào khi đưa ra những nhận định, kết luận liên quan đến những vụ việc đang thanh tra, cho dù ở mức lập biên bản, vì những biên bản này là cơ sở để đưa đến kết luận cuối cùng. Phải chăng do năng lực, trình độ hạn chế, cung cách làm việc cẩu thả của cán bộ thanh tra hay còn vì lý do gì sâu xa khác nữa? Câu trả lời chỉ dành cho cán bộ thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM và Ban Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM.

Một điều hết sức bức xúc đối với ông Phong và bà Trang nữa là, mặc dù Ngân hàng Phương Nam đã chính thức giải trình sự nhầm lẫn tai hại này đối với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM nhưng cho đến nay, sau hơn 1 tuần lễ xảy ra sự việc và bản thân ông Phong, bà Trang đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi mà vẫn chưa thấy động thái nào từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP.HCM về việc xin lỗi cá nhân ông Phong và bà Trang về sự nhầm lẫn nói trên nhằm giúp giải tỏa nỗi ngờ vực của những người thân đối với ông Phong, bà Trang cũng như xoa dịu phần nào những tổn thất về tinh thần mà hai nạn nhân này đã và đang gánh chịu!

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.