Cờ bạc, thú tiêu khiển thịnh hành

Lối chơi cờ bạc ở xã hội Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của phong tục Trung Quốc dân đông, mà lại nghèo...

LTS: Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại là một công trình quan trọng trên hai phương diện lịch sử và xã hội của Lương Đức Thiệp. Quyển sách là một bách khoa thư về mọi mặt đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị, tổ chức và sinh hoạt trong xã hội cũng như đời sống trí thức Việt Nam.

Nhân dịp NXB Tri Thức và Công ty CP Sách Tao Đàn ra mắt sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, Thanh Niên xin được trích đăng một số nghiên cứu và nhận định của Lương Đức Thiệp. Mời các bạn cùng theo dõi (tít bài do Thanh Niên đặt).

tin liên quan

Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại
Bằng cách phục hồi dần những gương mặt đang mờ dần theo dòng chảy lịch sử, chúng ta có cơ hội tiệm cận đến một hình dung chính xác nhất về độ đa dạng, sinh động, tương đồng, dị biệt... của đời sống văn hóa trong quá khứ.
Kỳ 4: Cờ bạc, thú tiêu khiển thịnh hành
Người "Văn Lang" cổ thời không biết ra sao. Song trong thời ấy chắc cuộc tiêu khiển công cộng của bộ lạc có lẽ là những cuộc nhẩy múa chung quanh một đống lửa, hoặc những điệu nhẩy múa "chiến tranh" như những điệu múa của những dân tộc lạc hậu ngày nay ở Mỹ châu, Á châu và Phi châu. Về sau, cuộc sống định cư nông nghiệp quy định và luân lý Khổng giáo gây nên những tục lệ mới, làm tính tình dân Việt Nam thuần dịu đi, mà bỏ dần những điệu nhẩy múa có tính cách man dã. Vì điệu nhẩy múa cổ xưa mất hẳn, còn sót lại trong một vài hình thức có tính cách tôn giáo như điệu múa lúc làm lễ "lên đồng".

tin liên quan

Thánh nào cũng thiêng, thần nào cũng mạnh
Trong dân gian hình thức tín ngưỡng và tế tự rất là hỗn tạp. Gốc tích tín ngưỡng này ở đa thần giáo cổ thời lẫn với thần thánh của Lão giáo biến thể và Phật giáo sai lạc.
Từ đời Lý đã nẩy ra một điệu hát "quan họ" là điệu hát về dịp cưới xin của hai họ nhà trai và nhà gái. Điệu hát này khó khăn phải tập luyện lâu ngày mới thuần thục, có đặc tính ở chỗ không có kèm một âm nhạc nào ngoài tiếng hát. Ngày nay chỉ còn độ hai mươi làng ở tỉnh Bắc Ninh, dân gian còn giữ tục hát "quan họ", là một điệu hát cổ xưa nhất từ khi lập quốc.
Hái ví, hát đúm, hát trống quân, hát tuồng, hát xẩm, hát chèo là những cuộc tiêu khiển phổ thông trong khắp xã hội Việt Nam. Lối hát tuồng du nhập xã hội Việt Nam từ đời Trần. Sử chép về triều Trần trong khi chiến tranh với Mông Cổ, quan quân Việt Nam bắt được một tướng Mông Cổ giỏi nghề hát tuồng. Tướng ấy truyền lối tiêu khiển này cho người Việt Nam. Lối hát chèo là một lối hát tuồng xưa biến thể với điều kiện sinh hoạt và não trào phúng của dân chúng.
Bìa sách "Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại"
Cách tiêu khiển thịnh hành nhất trong xã hội Việt Nam là cờ bạc. Nó thành một tệ tục làm tiêu mòn tài sản của phần đông dân chúng nghèo nàn và rỗi rãi ngoài những vụ cày cấy. Những hội hè kéo dài hàng tuần, hàng tháng mở vào dịp tháng giêng, hai, ba ngoài nông vụ là những cơ hội thuận tiện cho mọi người tụ họp để vui chung đồng thời để kiếm cháo nữa. Vì nghèo túng và rỗi rãi, dân chúng dễ bị quyến rũ bởi nguồn lợi dễ dãi ấy. Món tiêu khiển về loại cờ bạc thịnh hành nhất là Tài bán, Tổ tôm, Chắn cạ... và Tam cúc, nhất là lối đánh xóc đĩa và chẵn lẻ. Ngoài cách chơi ấy, ở Đường Ngoài dân gian còn lối đánh quay đất, quay thò lò, đánh đáo đĩa, đánh ba que, hốt lú. Ở Đàng trong có lối đánh Tào cáo, Tam sắc (đàn bà).
Trong hạng người phong lưu có lối chơi cảnh, chơi chọi chim, chơi non bộ, chơi đồ cổ, chơi đánh cờ, chơi ngâm thơ, uống rượu, chơi hát ả đào (nhất là trong phái nho sĩ). Lối đánh Thai và đánh Thơ (Thả thơ) là lối chơi của Nho sĩ. Ngoài ra còn lối đánh thăng quan, gieo bạc dóng người, Tam lường v.v...
Trẻ con có những lối lặt vặt như chơi đinh, đánh khăng, đánh mang, đánh đáo, đánh ô, đánh cù, đá cầu, đánh vòng, thả diều, đánh đu, dắt chắt, đánh chuyền, đánh búng quay, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê đi trốn, làm kiệu tay, rồng rồng rắn rắn, chọi dế v.v...

tin liên quan

Công cuộc chấn hưng Việt ngữ
Nếu xã hội đổi thay hẳn, nếu điều kiện sinh hoạt vật chất đổi thay hẳn, tâm trạng sẽ phải cũng đổi thay. 
Trong cách chơi của người Việt Nam ta thấy cách chơi cờ bạc là thịnh hành nhất. Lối chơi này xưa kia vì bảo vệ phong tục mà triều đình có lệ cấm, như dưới đời Lê Thái Tổ, kẻ nào vô cớ tụ họp chè rượu thì phải phạt 100 trượng, kẻ nào đánh bạc thì xử chặt ngón tay mất một phân. Việc này chứng tỏ lối chơi cờ bạc rất thịnh hành trong xã hội Việt Nam từ xưa hằng làm rối loạn cả phong tục và mở nguồn ra sự trộm cướp làm rối cuộc trị an. Pháp luật nghiêm khắc của triều Lê chỉ là một phương pháp cực đoan phản ứng lại tình trạng xã hội có bề nguy hiểm ấy.
Lối chơi cờ bạc ở xã hội Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của phong tục Trung Quốc dân đông, mà lại nghèo. Cách chơi ấy là một cách giải quyết đời sống quá eo hẹp của dân chúng không biết vợi vào đâu một phần sinh lực dư thừa chứa trong người. Phần sinh lực này không tìm đâu được một đối tượng xứng đáng để được thỏa mãn nên phải tiết ra chệch đường mà biến thành một dục vọng mạnh mẽ tự cá nhân không đè nén nổi nữa. Thêm óc tư hữu phát triển mạnh dưới chế độ đẳng cấp, cái "máu mê" cờ bạc của phần đông dân chúng Việt Nam (và Trung Quốc) chưa cạn mạch được, vì cờ bạc vẫn gieo những ảo tưởng giàu sang vào đám dân chúng rời rạc không còn đủ tin vào sức cố gắng hay tinh thần chiến đấu của mình mà chống nạn nghèo đói nữa.
Cho nên Trọng Quỳ xưa kia thua bạc phải bán vợ chỉ là một hình ảnh cụ thể và gắt gao của cái dục vọng công cộng ấy. Bởi vậy thái độ chung của những con bạc Việt Nam, vẫn đã được tự họ định rõ từ trước:
Lên ra thì múa Tứ linh
Chẳng lên ta lại nằm đình Cổ Linh
(Ca dao)
Rồi vậy có phải "thất cơ, lỡ vận" vì cờ bạc họ cũng cam lòng. Vì những lẽ này mà những năm đói kém là những năm dân chúng vùng quê Việt Nam hay bị cái nạn cờ bạc nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.