"Cò" mứt lộng hành ở Đà Lạt

13/06/2006 00:25 GMT+7

Cuối tháng 5 vừa qua, Trương Quang Lộc (sinh năm 1982) - một "cò" mứt lò Gia Bảo đã dùng dao chém đứt gân tay Lê Quốc Tuấn (sinh năm 1984) - người của lò mứt Thanh Hà. Đây không phải lần đầu tiên các "cò" đụng độ...

Cuối tháng 3/2006, "cò" của lò mứt H.N và T.T đã đâm nhau trọng thương phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trước đó, "cò" quầy H.N và T.P đánh nhau đổ máu, người dân khu phố phải nhờ cảnh sát 113 đến can thiệp...

PV Thanh Niên đã có một cuộc "mục thị" phố lò mứt, chỉ khoảng 1,5 km trên đường Phù Đổng Thiên Vương và Mai Anh Đào (phường 8, Đà Lạt) mà có trên 40 quầy bán đặc sản Đà Lạt. Để có khách, các quầy sử dụng đội ngũ tiếp thị, gọi nôm na là "cò". Quầy nào ít thì thuê 2 "cò", có những quầy sử dụng từ 5 đến 10 "cò", như T.T, H.N, K.P, L.H, T.D... cho nên việc tranh giành khách dẫn đến xô xát, ẩu đả xảy ra như cơm bữa.

Điểm tập kết của "cò" là các quán cà phê ở chân đèo Prenn (cách thành phố Đà Lạt 10 km). Họ chia tài bám theo xe du lịch để đưa danh thiếp và "đua" về tận khách sạn mời tài xế đi cà phê "thư giãn", hướng dẫn cặn kẽ vị trí quầy đặc sản. Nếu như trước đây mỗi xe 45 chỗ ngồi ghé vào lò mứt tài xế được chi 400-500 ngàn đồng, xe 25-30 chỗ (200-300 ngàn đồng), xe nhỏ dưới 15 chỗ (100-150 ngàn đồng) thì sau này, khi các quầy sử dụng lực lượng "cò", phương thức "ăn chia" thay đổi dựa theo doanh thu: "cò" hưởng 10%, tài xế hưởng 20% trên tổng doanh thu của một tour ghé vào mua đặc sản. Để khuyến khích "cò", nhiều cửa hàng còn cung cấp xe máy, chi tiền xăng 20 ngàn đồng/ngày, bao ăn trưa, trang bị điện thoại di động để "cò" hoạt động.

Mới đây, Báo Thanh Niên nhận được điện thoại cầu cứu của anh Trần Hoài Linh, lái xe 53L - 9403 chở đoàn khách đến từ huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Anh Linh cho biết mới đến chân đèo Prenn thì bị cò mứt tên P. đi trên chiếc xe Wave màu đỏ bám theo, ném vào xe danh thiếp của lò mứt Toàn Thắng (đường Nguyên Tử Lực, phường 8). Anh Linh từ chối vì khách không có nhu cầu. Hôm sau, khi đưa khách tham quan Suối Vàng, cò P. lại bám theo dúi cho anh Linh 100 ngàn. Anh Linh từ chối. P. hăm dọa: "Anh có về lò mứt không thì cho biết để... tôi tính". Suốt đêm đó anh Linh không dám rời khách sạn vì sợ bị hành hung. Hôm sau, khi đến Thung lũng Tình Yêu, cò P. lại xuất hiện và hăm dọa: "Mày không về lò của tao thì mày cũng đừng rời Đà Lạt!".

Còn anh Cường, lái xe 60K - 1877 đưa đoàn khách từ Đồng Nai lên tham quan Đà Lạt, sau nhiều ngày bị 2 "cò" của quầy C.N đeo bám, chèo kéo nhưng anh không ghé vào, khi đậu xe ở bãi xe Thung lũng Tình Yêu đã bị một "cò" nữ dùng chìa khóa rạch sơn đầu xe (mới sơn) cho... bõ ghét. Anh Cường viết đơn gửi Công an phường 8 và Công an thành phố Đà Lạt nhờ can thiệp, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Tiếp xúc với cánh tài xế, các anh cho biết "cò mứt", "cò cơm", "cò khách sạn", "cò cà phê ôm"... nhan nhản ở Đà Lạt. Đây là nỗi ám ảnh của họ, vì "cò" đua theo xe đưa danh thiếp mà không nhận thì bị cản đường, nhận danh thiếp mà không ghé "lò" thì bị hăm dọa.

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Công an phường 8, Đà Lạt cho biết hằng năm, trước những mùa du lịch cao điểm, công an phường đều họp các chủ cơ sở kinh doanh đặc sản để triển khai thực hiện cam kết: "Không sử dụng dịch vụ tiếp thị (cò) dưới mọi hình thức, không tranh giành khách gây mất trật tự công cộng. Không tự ý nâng giá, ép giá trái quy định, đảm bảo niêm yết giá công khai theo quy định...".

Nhưng những gì đã và đang diễn ra trên phố lò mứt thì hoàn toàn ngược lại.

Bài và ảnh: Nhóm PV Đà Lạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.