Có thể Việt Nam không còn tê giác trong tự nhiên

14/05/2010 01:21 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên ngày 12.5, đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho rằng nhiều khả năng xác của con tê giác vừa được phát hiện ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên vừa qua là con cuối cùng ở Việt Nam.

Theo vị đại diện WWF này, từ đầu tháng 3 đến nay, đoàn khảo sát đã không còn tìm thấy dấu vết phân tươi của tê giác, điều này rất khớp với việc con tê giác chết vào khoảng tháng 2. Tuy nhiên, giả thuyết này còn phải chờ kết quả từ việc phân tích 26 mẫu phân đã tìm kiếm được trước đó (WWF sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm phân tê giác tại VQG Cát Tiên). Những mẫu phân tìm thấy sẽ được phân tích DNA nhằm xác định hiện trạng số lượng cá thể, giới tính, tuổi của tê giác tại đây. Và kết quả nghiên cứu này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm. Đồng thời, WWF cũng đã thu thập và gửi mẫu phẩm của cá thể tê giác bị chết này tới Đại học Queen tại Canada nhằm xác định liệu DNA của cá thể này có trùng với mẫu phân đã thu thập được trong thời gian nghiên cứu vừa qua hay không? Nếu như trùng thì nhận định “có thể đây là con tê giác cuối cùng” là có cơ sở.

Cho đến nay, sau gần nửa tháng phát hiện cá thể tê giác một sừng quý hiếm chết tại VQG Cát Tiên, cơ quan chức năng, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác cá thể tê giác Java một sừng này chết tự nhiên hay bị giết. Tuy nhiên, tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm thu được gần như toàn bộ bộ xương (52,5 kg), không phát hiện dấu vết bẫy hoặc hiện tượng giãy chết do bị săn bắn, nhưng tại vị trí đầu mõm trên của cá thể tê giác có dấu vết dao và không còn nguyên vẹn, khả năng là sừng của tê giác đã bị lấy mất. Đại diện WWF cho biết qua khám nghiệm còn phát hiện một viên đạn ở chân tê giác. “Cùng với chiếc sừng không còn nên rất nhiều khả năng con tê giác này đã bị giết chết. Dù vậy, cũng có khả năng tê giác chết tự nhiên hoặc bị thương trước rồi mới chết. Những điều này còn phải chờ kết quả điều tra...”, đại diện WWF cho hay. Ông Huỳnh Tiến Dũng - Trưởng ban Quản lý chương trình WWF tại Việt Nam - cho biết: “Việc cá thể tê giác này có thể đã bị giết trộm cho thấy tình trạng nguy hiểm mà các loài thú quý hiếm như tê giác và hổ đang phải đối mặt hiện nay tại Việt Nam...”.

Hiện VQG Cát Tiên đang phối hợp với các cơ quan pháp luật của tỉnh Lâm Đồng điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của cá thể tê giác và truy tìm chiếc sừng tê giác nói trên.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.