“Cò” trước trụ sở cơ quan công quyền - Bài 1: Nhộn nhịp “chợ” biển số đẹp

28/04/2009 23:52 GMT+7

Không quá khó để nhận ra tình trạng “cò” chào mời, chèo kéo khách trước trụ sở một số cơ quan công quyền vẫn còn phổ biến. Điều này không chỉ gây mất trật tự công cộng, mà đôi khi còn khiến người dân “tiền mất tật mang” và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan công quyền. Mời nghe đọc bài

Từ 2 năm nay, Bộ Công an triển khai bấm số tự động trên máy vi tính khi cấp biển số xe là nhằm triệt tiêu tình trạng “cò” số đẹp. Thế nhưng, thực tế loại “cò” này vẫn tồn tại, hoạt động công khai trước nhiều trụ sở đăng ký xe.

“Thích số gì cứ viết ra”

Một trong những địa điểm “cò” hoạt động nhộn nhịp nhất là trước Đội quản lý xe và lái xe thuộc Phòng CSGT đường bộ (PC26) Công an TP.HCM, địa chỉ 282 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh. Điều đáng nói, dù từ năm 2008 đến nay nơi đây không còn thực hiện đăng ký xe mô tô (đã chuyển hết về công an các quận, huyện), nhưng các “cò” nơi đây vẫn nhận “bao” biển số đẹp cả với mô tô lẫn ô tô khi khách có nhu cầu.

Khoảng 9 giờ sáng một ngày tháng 4, vừa thấy xe chúng tôi giảm tốc độ định quẹo vào 282 Nơ Trang Long, hơn chục “cò” nam có nữ có, trẻ có già có, ùa ra níu ngược xe lại chào mời làm giấy tờ xe. Một phụ nữ trạc 40 tuổi tiếp thị: “Anh làm giấy tờ gì? Xác minh phải không? Công cán không có bao nhiêu hết trơn. Làm đi. Mở hàng...”. Chúng tôi vờ nói muốn có “biển số đẹp”, chị ta cùng một số người khác tự động rút lui, nhường khách lại cho mấy thanh niên.

Chúng tôi chọn “cò” Minh, trạc 25 tuổi, để giao dịch. Minh đưa chúng tôi đến một quán cà phê cách trụ sở 282 vài căn nhà. Hai bàn khác trong quán cũng có “cò” đang ngã giá với khách về biển số đẹp. Đoạn đường Nơ Trang Long trước cổng 282 có cả chục quán cà phê dọc hai bên và quán nào cũng lấp ló “cò” tìm khách, đang giao dịch... Vừa kéo ghế cho chúng tôi ngồi, Minh vừa quảng cáo không ngớt về “năng lực bản thân”: “Anh thích số gì cứ viết ra đây. Em sẽ gọi ông anh của em đến làm việc với anh. Ảnh đưa anh vào lấy số luôn (?)”. Minh vừa dứt lời, một người đàn ông tên Mạnh, trạc 40 tuổi, ra dáng đàn anh của Minh bước vào. Mạnh vào thẳng vấn đề: “Anh có hồ sơ hải quan chưa? Anh lấy số ở quận nào, thích số gì cứ ghi ra giấy, chỉ cần ghi bốn số cuối. Muốn lấy số nào cũng được, giá cả OK là tôi sẽ lấy cho anh”.

Ông Nguyễn Y Nhã, Chủ tịch UBND P.12, Q.Bình Thạnh, cho biết tình trạng “cò” tụ tập, lôi kéo khách trước trụ sở 282 Nơ Trang Long tồn tại từ nhiều năm nay. Năm 2008, Công an P.12 lập hồ sơ 2 “cò” có dấu hiệu lừa đảo chuyển Công an Q.Bình Thạnh tiếp tục điều tra; xử lý vi phạm hành chính 14 người chèo kéo khách gây mất trật tự công cộng; lập danh sách những người cam kết không tụ tập trước địa chỉ 282 lôi kéo khách như: Nguyễn Văn P. (tức Đức Quạ, 64 tuổi), Phạm Văn D. (48 tuổi, ngụ Q.9), Phùng Văn S. (48 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh)... “Phường thường xuyên kiểm tra xử lý nhưng “cò” vẫn tồn tại. Để giữ trật tự khu vực này, một mặt chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý những người chèo kéo khách, mặt khác đề nghị Đội Quản lý và lái xe tăng cường lực lượng bảo vệ, phát thanh thường xuyên cho người dân biết để cảnh giác, không bị “cò” lừa đảo lấy tiền...”, ông Nhã nói.

Sau khi chúng tôi nói muốn lấy số xe ở quận 1 và ghi ra 2 số 2772, 4554, Mạnh rút điện thoại bấm cho người đầu dây bên kia tên Bi, rồi quay sang báo giá: “Cả 2 số đều OK. Giá đúng 5 chai (5 triệu đồng - PV) không bớt một đồng. Còn muốn lấy số tứ quý thì đợi hơi lâu, giá 15 chai, nhưng nói trước với thằng em (Mạnh đổi cách xưng hô), tứ quý nào cũng được trừ tứ quý 2 và 9 là thua, vì người ta xí chỗ trước hết rồi. Hôm nay em mua xe, ngày mai anh sẽ lấy đúng số em thích. Uy tín”.

Thấy khách tỏ ra băn khoăn vì bấm số tự động thì làm sao lấy được số đẹp? “Cò” Mạnh trấn an bằng cách gọi điện thoại lại cho người tên Bi và cố tình mở loa lớn đưa sát vào tai khách, nói lớn: “Photo giấy CMND, nhận tiền đặt cọc mang lên cho Bi lấy số luôn nha?”. Đầu dây bên kia giọng miền Nam trả lời: “OK”. Mạnh tắt máy điện thoại, lên giọng: “Tin chưa? Giờ em muốn làm thì photo CMND, anh sẽ viết giấy nhận đặt cọc của em 1 triệu đồng để đưa cho người ta đặt chỗ trước. Nếu không lấy được số thì anh sẽ đền cho em gấp đôi số tiền mua biển số”. Lấy lý do không mang đủ tiền đặt cọc, hẹn ngày mai, chúng tôi được Mạnh dúi vào tay số điện thoại 091982023... và dặn: “Ngày mai cầm hồ sơ chạy thẳng xuống đây luôn, em đi theo anh vô gặp công an làm luôn. Chưa cà số thì đưa xe xuống đây cho anh cà luôn cũng được. Nếu tối nay em rảnh thì gọi, anh cho địa chỉ đến nhà chơi cho biết, rồi đặt cọc làm cũng được...”.

Khoảng 14 giờ chiều 20.4, xe của chúng tôi cũng bị “cò” kéo lại trước cổng 282 Nơ Trang Long. Sau khi thỏa thuận giá “số gánh” ở Q.Bình Thạnh là 2,5 triệu đồng, “cò” yêu cầu chúng tôi cung cấp tên tuổi, địa chỉ “để họ nhập vào máy vi tính xí chỗ trước cho chắc ăn”.

Không riêng gì ở 282 Nơ Trang Long, trước trụ sở các tổ đăng ký xe thuộc công an các quận: 6, 11, Gò Vấp..., chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng “cò” hoạt động khá nhộn nhịp.

Chiêu vận dụng sự ngẫu nhiên

Xung quanh tình trạng “cò” nhộn nhịp trước trụ sở làm việc, trung tá Dương Quan Hải, Trưởng đội Quản lý xe và lái xe, quả quyết: “Những người chèo kéo người dân đến làm giấy tờ tụ tập trước trụ sở 282 chủ yếu để cà số xe, gắn biển số xe, chứ làm gì lấy được số xe đẹp. Tình trạng này gây mất trật tự, nằm bên ngoài trụ sở nên trách nhiệm thuộc về Công an P.12, Q.Bình Thạnh. Tôi khẳng định không có chuyện cán bộ của đội móc nối với những người này lấy số xe đẹp...”.

 
Xe “xịn”, biển số đẹp chạy đầy đường - Ảnh: Đ.H - H.Nam

Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng PC26, cũng cho rằng: “Năm 2007, quy trình phần mềm bấm số tự động ngẫu nhiên trên máy vi tính được triển khai thực hiện tại 282 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), Trần Đình Xu (Q.1), Mạc Cửu (Q.5). Mật khẩu do Cục CSGT đường bộ đường sắt (Bộ Công an) quản lý. Đầu năm 2008, quy trình bấm số này được chuyển về các quận, huyện thực hiện. Lúc đó, Cục CSGT bố trí cán bộ trực tiếp xuống quận, huyện lắp đặt chương trình phần mềm bấm số thống nhất trên toàn quốc. Trong năm 2007, phòng quản lý theo dõi quy trình trên nhưng không phát hiện hoặc xử lý trường hợp nào liên quan đến việc “can thiệp” vào việc bấm số tự động này. Còn thời gian từ năm 2008 đến nay phòng không trực tiếp quản lý nên không nắm rõ”.

Thế mà các “cò” chúng tôi gặp đều khẳng định bằng hợp đồng... miệng: “chắc chắn lấy được số đẹp, vấn đề chỉ là giá cả”. Để “chứng minh”, một “cò” trong số này kể câu chuyện: “Tháng trước, có một đại gia chạy chiếc Mercedes cao cấp đến cho tui cà số máy. Tui gạ ổng chơi số đẹp thì ổng chỉ nhếch mép cười, bảo: Chú mày tin anh lấy được sảnh 4 số tiến không? Mấy ngày sau, cũng đại gia này chạy “con Mẹc” này tới đeo biển 4567”. Thử nhờ tra cứu số xe “cò” đọc trong câu chuyện thì thấy biển số đó đúng là gắn cho một chiếc Mercedes S550 của một “đại gia” tại quận 1, đăng ký hồi tháng 3.2009. Có thể, dựa vào sự may mắn ngẫu nhiên của ai đó, “cò” biến thành thông tin của mình cho oai.

Trong thực tế nhiều biển số “gánh”, tứ quý... đều gắn vào những chiếc xe đời mới đắt tiền như SH, PS... (gắn máy); Mercedes, Lexus... (ô tô). Lý giải thực trạng này, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng là do trùng hợp ngẫu nhiên. Lý lẽ này sẽ thuyết phục hơn khi sự ngẫu nhiên không chỉ khu trú vào một số đối tượng hẹp là lượng xe “xịn” vốn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng lượng phương tiện đăng ký. Dựa vào yếu tố này, các cò vẫn cứ “nổ”, vẫn ra giá, thậm chí lừa đảo những ai cả tin, thiếu thông tin và mất cảnh giác.

Đàm Huy - Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.