Công bố 7 luật

30/04/2016 07:29 GMT+7

Sáng qua (29.4), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13, gồm:

Luật Báo chí (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2017); luật Trẻ em (có hiệu lực từ 1.6.2017); luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 1.7.2018); luật Dược (có hiệu lực từ 1.1.2017); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật Quản lý thuế; luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (có hiệu lực từ 1.7.2016); luật Điều ước quốc tế (có hiệu lực từ 1.7.2016). Cùng được công bố với 7 luật trên là Pháp lệnh Quản lý thị trường (có hiệu lực từ 1.9.2016) và Nghị quyết về việc phê chuẩn công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ VN và Mỹ (có hiệu lực sau khi Bộ Ngoại giao hoàn tất các thủ tục về mặt đối ngoại với phía Mỹ).
Trong đó, với luật Báo chí, đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Tại buổi công bố luật Báo chí diễn ra vào ngày 29.4, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết luật Báo chí có nhiều điểm mới đáng chú ý như quy định cụ thể về trách nhiệm cũng như quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, luật quy định cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên khi cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo quy định của luật, trước khi bắt đầu hoạt động 15 ngày, cơ quan báo chí có đủ điều kiện và có nhu cầu đặt văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ đến UBND cấp tỉnh - nơi cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện để thông báo.
Còn luật Tiếp cận thông tin quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Luật quy định công dân được tiếp cận bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Luật cũng quy định người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm cung cấp thông tin. Công dân đồng thời có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.