CSGT tăng cường xử lý lái xe uống rượu, bia

Để hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM, lực lượng CSGT liên tục chốt chặn trên các tuyến đường để xử lý người vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông.

Đêm 7.7, PV Thanh Niên theo Đội CSGT Bàn Cờ, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67 - Công an TP.HCM) làm nhiệm vụ tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng (P.7, Q.3). Lúc 22 giờ 25 cùng ngày, tổ tuần tra dừng xe máy do ông H. (50 tuổi) điều khiển. Vừa dắt xe vào lề, ông H. mở khẩu trang trần tình: “Mới ăn đám cưới đứa cháu bà con ra nên có uống chút ít à mấy đồng chí, có gì mong thông cảm cho tôi nha”. Kết quả đo nồng độ cồn của ông H. vượt ngưỡng cho phép. Sau gần 1 giờ đồng hồ nài nỉ nhưng không được, ông H. mới chịu ký vào biên bản vi phạm. Sau đó, CSGT kêu taxi cho ông H. về nhà.

tin liên quan

CSGT TP.HCM tăng cường xử phạt xe quá tải
Ngày 5.7, PV Thanh Niên theo chân đội CSGT Bình Triệu, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM), ghi nhận công tác tăng cường tuần tra, xử phạt xe chở quá tải trên QL1A, đoạn qua địa bàn Q.12.  
Khoảng 23 giờ cùng ngày, ông C. (45 tuổi), sau khi bị “tuýt còi”, được yêu cầu đo nồng độ cồn thì ông C. thổi rất nhiều lần mới đạt yêu cầu. “Tui thổi rất là nhiệt tình chứ không phải có ý không hợp tác đâu nghen”, ông C. trần tình. Phiếu in kết quả nồng độ cồn trong người ông C. vượt mức cho phép. Ông C. nói mình làm nghề bảo vệ, mới “lai rai” với anh em đồng nghiệp mấy chai bia chứ không uống nhiều. Gần 1 giờ đồng hồ sau, ông C. trở lại vị trí tổ cảnh sát chốt, phản ứng để lấy xe về, nhưng lực lượng CSGT kiên quyết xử lý.
“Có hôm chỉ xử lý một trường hợp vi phạm đã hết thời gian của ca trực. Họ say xỉn có biết gì đâu, vừa chống đối, không hợp tác, có khi la lối om sòm, quậy phá. Lúc ấy, phải vừa giải thích, vừa gọi công an phường đến giải tán đám đông. Sau đó lại giải thích, vận động người vi phạm hợp tác”, trung tá Trần Thái Bảo, Phó đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ, kể.
Trong đêm 7.7, tổ tuần tra nói trên đã phát hiện xử lý 4 trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Kiểm tra theo “chuẩn” quốc tế
Bên cạnh việc lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực trung tâm TP, PC67 đã tổ chức 4 cụm công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế từ 20 - 24 giờ mỗi đêm. Mô hình này được TP.HCM áp dụng từ năm 2014. Đây là mô hình kiểm soát nồng độ cồn được tiến hành tại các trạm CSGT, trạm thu phí hoặc tại một điểm trên quốc lộ nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông không gây ùn tắc. Ở các trạm thu phí, khi tài xế cho xe vào khu vực mua vé thì CSGT túc trực tại đây dùng thiết bị phát hiện lái xe có nồng độ cồn hay không. Nếu phát hiện, CSGT sẽ yêu cầu lái xe tấp vào lề gần đó và thổi vào máy đo nồng độ cồn xác định lượng cồn trong người để xử lý.
Trên các tuyến quốc lộ, CSGT phân thành từng làn xe, có biển báo, chỉ dẫn thông báo chốt kiểm tra nồng độ cồn. Các xe được CSGT hướng dẫn vào làn kiểm tra nồng độ cồn. Vào đây, tài xế chỉ cần trò chuyện với CSGT, bằng thiết bị hiện đại CSGT sẽ phát hiện lái xe có uống rượu bia hay không. Nếu phát hiện, CSGT sẽ tiến hành các bước tiếp theo, không phát hiện thì tài xế được phép tiếp tục lưu thông.
Tối 6.7, Đội CSGT An Lạc (thuộc Phòng PC67) kiểm tra nồng độ theo kinh nghiệm quốc tế trên QL1 đoạn qua địa phận xã Tân Kiên, H.Bình Chánh. Tại khu vực kiểm tra có biển báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn”, làn đường kiểm tra nồng độ cồn được bố trí, phân làn bằng các cọc phản quang. Nhiều ô tô lần lượt được CSGT hướng dẫn vào làn kiểm tra nồng độ cồn. Trong 2 giờ chốt chặn tại khu vực này, tổ CSGT đã phát hiện 2 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Theo lãnh đạo PC67, việc kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên đã kéo giảm được số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay.
Theo Nghị định 46/2016, người điều khiển ô tô trong hơi thở có mức độ cồn từ 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở thì bị phạt 7 - 8 triệu đồng; từ 0,4 mg/lít khí thở trở lên thì bị phạt 16 - 18 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.