Cử tri Đà Nẵng: 'Tại sao lại để Trịnh Xuân Thanh trốn đi một cách khỏe re?'

04/10/2016 18:07 GMT+7

*Trịnh Xuân Thanh trốn qua châu Âu Trước câu hỏi của cử tri về việc tại sao ông Trịnh Xuân Thanh có thể bỏ trốn, Thường trực Ban Bí thư đã thẳng thắn trả lời và giải thích ý kiến này.

Ngày 4.10, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại 2 quận: Hải Châu và Thanh Khê (TP.Đà Nẵng).

Tại buổi tiếp xúc, đề cập đến vấn đề chống tham nhũng, chống tiêu cực, cử tri Đào Dọng (Q.Thanh Khê) bày tỏ: “Mong rằng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP có sự đóng góp mạnh mẽ trong giữ kỷ luật đất nước của chúng ta. Chẳng hạn, vừa rồi ông Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi lãnh thổ VN mà cuối cùng mọi người đều không biết”.

Cử tri Đào Dọng đề nghị Quốc hội tăng cường chống tham nhũng, gìn giữ kỷ cương phép nước ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Dọng cho biết, mọi người đều hỏi: "Chúng ta đều có tai có mắt hết, tại sao lại để ông Thanh đi một cách khỏe re vậy?”. Từ đó, ông Dọng kiến nghị Thường trực Ban Bí thư chống tiêu cực một cách quyết liệt, mạnh mẽ.

Trịnh Xuân Thanh làm sao trốn đi dễ dàng như vậy? Báo cáo với các cử tri là quy định xử lý kỷ luật Trịnh Xuân Thanh chỉ mới ở mức xem xét kỷ luật khai trừ Đảng. Mà là Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên khai trừ Đảng phải Ban Bí thư quyết định. Bản thân Thành ủy, Tỉnh ủy không quyết định được. Đang xem mức đó thì Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, mới bay ra châu Âu

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh

“Không thể để ông Thanh (Trịnh Xuân Thanh -  PV) bỏ đi một cách vô lý như vậy được. Phải làm sao để nhân dân Đà Nẵng phục, ủng hộ Đoàn ĐBQH”, ông Dọng nói.

Trước ý kiến này, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nói: “Trịnh Xuân Thanh làm sao trốn đi dễ dàng như vậy? Báo cáo với các cử tri là quy định xử lý kỷ luật Trịnh Xuân Thanh chỉ mới ở mức xem xét kỷ luật khai trừ Đảng. Mà là Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên khai trừ Đảng phải Ban Bí thư quyết định. Bản thân Thành ủy, Tỉnh ủy không quyết định được. Đang xem mức đó thì Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, mới bay ra châu Âu”, ông Huynh nói.

“Rõ ràng trách nhiệm quản lý cũng có khuyết điểm ở đây. Quy trình là chưa đến mức khởi tố cho nên cho chưa có tổ chức giám sát, theo dõi bị can. Sau khi khởi tố rồi thì đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế. Phát lệnh truy nã để truy bắt ông Thanh về quy án”, ông Đinh Thế Huynh nói thêm.

Nhất trí ý kiến ghi nhận “công lao ông Nguyễn Bá Thanh”

Cũng theo cử tri Đào Dọng, TP.Đà Nẵng có được bộ mặt như hôm nay thì ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) đóng vai trò rất lớn.

“Bác Thanh (ông Nguyễn Bá Thanh - PV) có công lao mở rộng TP cũng như giải phóng các nhà chồ ven biển. Nói chung, bác Thanh rất có công, chúng tôi đề nghị Quốc hội truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó cũng là nguyện vọng nhân dân Đà Nẵng”, ông Dọng nói.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, ông nhất trí với ý kiến của cử tri “về việc đề nghị TP.Đà Nẵng xem xét kiến nghị Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá đóng góp của ông Nguyễn Bá Thanh”.

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh việc sẽ xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến sai phạm của dự án Formosa ẢNH: HOÀNG SƠN

“Theo nguyên tắc của thi đua khen thưởng, muốn được khen thưởng thì cấp cơ sở kiến nghị lên, có bản báo cáo thành tích thì Đảng, Nhà nước sẽ xem xét”, ông Huynh nói.

Cử tri Nguyễn Văn Thôi (P.Chính Gián, Q.Thanh Khê) đề cập đến vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản. Theo ông Thôi công tác này hiện không chặt chẽ, không khoa học cho nên tài nguyên thất thoát, môi trường bị tàn phá nặng nề và việc tái tạo lại rất khó khăn…

“Như khai thác vàng tại Bồng Miêu ở Quảng Nam, Báo Thanh Niên đăng thuế thì không đóng… Chúng ta quản lý không chặt và xử lý nhẹ nên người ta không chấp hành nghiêm túc. Tài nguyên khoáng sản là tải sản của dân tộc nên phải bảo vệ để sử dụng lâu dài. Vài năm nữa không có tài nguyên…”, ông Thôi nói.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, hiện nay T.Ư đang chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân trong việc phê duyệt dự án Formosa.

“Đặc biệt là phê duyệt quá trình xả thải của dự án Formosa. Kiểm tra, thanh tra sẽ cho xử lý nghiêm những người có vi phạm”, ông Huynh nhấn mạnh.

Tán thành ý kiến cử tri cho rằng tài nguyên đang bị lãng phí quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát và ô nhiễm môi trường.

“Vàng Bồng Miêu là một ví dụ về việc doanh nghiệp đến khai thác khoáng sản, lợi nhuận thì mang đi để lại ô nhiễm môi trường. Đó là vấn đề nhức nhối mà Đảng và Nhà nước phải vào cuộc căn cơ, quyết liệt để sử dụng hiệu quả tài nguyên cho mai sau”, ông Huynh nói.

Liên quan đến ý kiến cử tri về việc hiện các sở, ngành có nhiều cấp phó, ông Đinh Thế Huynh nói: “Hiện nay các sở, ban ngành nhiều cấp phó như thế, T.Ư Đảng có kết luận về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ Chính trị cũng có nghị quyết về tinh giản biên chế. Dứt khoát năm 2016 thì không một đơn vị nào được tăng biên chế và phải giảm cấp phó. Cấp phó theo quy định gồm 5 người. Thanh Hóa vừa rồi phát hiện ra có sở có đến 9 phó giám đốc sở thì yêu cầu trở về đúng quy định. Bây giờ tất cả phải theo luật chứ có những văn bản dưới luật thì người ta lại dễ vận dụng. Nhiều phó làm cho biên chế nhiều ra, lương thì thấp, lương kỹ sư không bằng người giúp việc…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.