Cúm gia cầm và điều chưa nghĩ đến

16/03/2009 23:53 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 44 xã, thuộc 23 huyện của 13 tỉnh, trong đó còn 5 tỉnh có dịch chưa qua thời hạn 21 ngày là Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Điện Biên. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy trên 52.000 con, trong đó vịt chiếm 72%. Riêng tại TP.HCM, nơi tập trung dân số đông nhất nước, mặc dù chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng công tác phòng chống dịch bệnh này đang đặt ở mức khẩn trương.

Trong công văn chỉ đạo chống dịch H5N1 gần đây nhất, UBND TP.HCM đã nêu rõ: “Trong thời gian gần đây, tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ tại các huyện ngoại thành, việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép tại các quận huyện nội, ngoại thành vẫn chưa được xử lý triệt để. Việc thiếu kiên quyết trong công tác kiểm tra và xử lý của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia cầm sống bày bán công khai tại các điểm nóng trước đây và phát sinh thêm nhiều điểm mới trên địa bàn thành phố”.

Trước tình hình này, UBND thành phố đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện xử lý dứt điểm, không để tái diễn tình trạng chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn.

 Việc triển khai hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ sức khỏe con người là điều nên làm trong giai đoạn cúm gia cầm diễn biến phức tạp và đe dọa tính mạng người dân hiện nay.

Tuy nhiên, trong công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch, vẫn xuất hiện những mắc mứu mà nếu không được giải thích sáng tỏ, người dân sẽ khó có thể đồng tình những việc làm của cơ quan chức năng. Trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm vài năm trước đây, UBND đã cấm tuyệt đối các trường hợp chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố. Quy định này đã gặp phải phản ứng của bà con chăn nuôi vì gây thiệt hại đến công việc mưu sinh của họ.

Gần đây, cơ quan quản lý đã nới lỏng quy định này và cho phép nuôi gia cầm trở lại với điều kiện phải đăng ký với cơ quan thú y địa phương và được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu. Ngược lại, các trường hợp chăn nuôi không xin phép thì vẫn bị xử lý tịch thu và tiêu hủy.

Quy định là thế, song không phải người dân nào cũng được biết đến. Chính vì vậy mà những trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký trên địa bàn vẫn còn. Chính vì vậy khi cơ quan thú y đến kiểm tra và tịch thu, người chăn nuôi cảm thấy họ đang bị xử ép. Chi cục Thú y TP.HCM vẫn khẳng định rằng: Việc chăn nuôi gia cầm trên địa bàn không bị cấm, nhưng phải được cơ quan thú y chấp nhận và áp dụng các biện pháp kiểm soát.

Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng triển khai các quy định trên một cách bài bản hơn, suy xét hơn, xem trọng công việc mưu sinh của người dân đặc biệt là các hộ nghèo – với họ, đàn gà hay đàn vịt vài chục con là cả  tài sản -  chẳng hạn như gửi thông báo (hoặc trực tiếp đến nhắc nhở nếu được) đến các hộ đang nuôi nhỏ lẻ và hướng dẫn họ thực hiện theo đúng quy trình kiểm soát đã ban hành, thay vì cứ im lặng rồi bất ngờ đến tịch thu, tiêu hủy gia cầm thì có lẽ cả đơn vị thừa hành và người chăn nuôi sẽ dễ dàng thông cảm cho nhau hơn. Trong chỉ đạo của mình, UBND thành phố cũng nên đặt công tác thông tin tuyên truyền lên hàng đầu.

Tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi hiểu và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm bằng nhiều hình thức. Chưa kịp nhắc nhở mà vội vàng tịch thu tiêu hủy sẽ khiến người dân không đồng tình, ít nhiều gây ác cảm không đáng có cho họ và ảnh hưởng đến chủ trương chống dịch của cơ quan quản lý.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.