Cuộc cứu bạn ngoạn mục

28/04/2006 22:56 GMT+7

Thời điểm này, sự có mặt của kỹ sư Nguyễn Tấn Á ở Sài Gòn sẽ nguy hiểm đến nền an ninh quốc gia. Yêu cầu trục xuất Nguyễn Tấn Á ra khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt". Đó nội dung biên bản trục xuất của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dành cho chàng trai được mệnh danh là "hùm xám", "người hùng của thời loạn" trong phong trào HS- SV những năm kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 25/8/1964 là tròn một năm ngày nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết trước chợ Bến Thành. Sự kiện này làm cho cảnh sát mật vụ điên cuồng đàn áp khủng bố khắp Sài Gòn khiến phong trào HS - SV càng dâng cao hừng hực. Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng chỉ đạo HS - SV, hàng ngàn HS của Trường Kỹ thuật Cao Thắng đã bãi khóa, xếp hàng, mặc đồng phục, tự mang theo dụng cụ học tập làm vũ khí đấu tranh tiến đến bến xe bus Sài Gòn kêu gọi công nhân tham gia biểu tình chống độc tài Nguyễn Khánh. Trước khí thế đấu tranh quyết liệt và khả năng bạo động có thể nổ ra, Nguyễn Khánh đã buộc phải đứng trước quần chúng tuyên bố rút lại chức "Chủ tịch Việt Nam cộng hòa" do hắn tự phong và xé bỏ Hiến chương Vũng Tàu (một văn bản có nhiều điều khoản phản động, vi phạm quyền tự do dân chủ, quyền sống và sinh hoạt của nhiều tầng lớp nhân dân thành phố).

Ông Hoàng Đôn Nhật Tân, lúc bấy giờ là HS Trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ kể lại: "Nguyễn Khánh đã kích động hàng ngàn phần tử quá khích ở một số vùng phụ cận Sài Gòn từ nhiều hướng kéo về trung tâm thành phố để khủng bố các lực lượng yêu nước. Bọn chúng trang bị gậy gộc, mã tấu, dao găm... kéo đến Trường Nguyễn Trường Tộ chém giết nhiều học sinh. Anh Nguyễn Văn Sỹ sau khi hô to "Đả đảo Nguyễn Khánh" đã


Anh Nguyễn Tấn Á bây giờ

bị đâm nhiều nhát vào người. Một cuộc hỗn chiến chưa từng có diễn ra, hai bên dùng đá ném nhau khủng khiếp. Cảnh sát Sài Gòn gần như án binh bất động".

Nghe tin HS trường "đàn em" bị tàn sát, anh Nguyễn Tấn Á đang học thực hành dưới xưởng lập tức chạy lên văn phòng trường, chụp micro thông báo cho toàn trường biết rồi chạy xuống xưởng kêu gọi HS mang đồ nghề qua Trường Nguyễn Trường Tộ đi cứu bạn. Là một HS giỏi của trường lại rất thẳng thắn, trung thực, thương yêu bạn bè, sẵn sàng bênh vực bạn, Nguyễn Tấn Á trong mắt các bạn giống như một thủ lĩnh. Vì thế, anh được bạn bè rất tin yêu. Tập hợp anh em thành 4 hàng dọc rồi cùng tiến ra bến xe bus Sài Gòn, anh Á nhảy lên đầu xe, ôm bác tài nói gấp gáp về mục đích cứu bạn của mình. Hai bác tài đã vui vẻ chở hàng trăm HS tiến về đường Hồng Thập Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ). Lực lượng HS Trường Kỹ thuật Cao Thắng đã tấn công dữ dội khiến lực lượng của Nguyễn Khánh phải tháo chạy. Nguyễn Tấn Á chỉ đạo một số HS ở lại tham gia lập phòng tuyến, chặn đứng được các đợt tấn công điên cuồng tiếp theo của bọn chúng.

Trở về Trường Kỹ thuật Cao Thắng, một đoàn HS cùng thanh niên, đồng bào đã chiếm lĩnh công trường Quách Thị Trang với nhiệm vụ bảo vệ bức tượng chị Trang vừa được khánh thành trước đó chưa lâu. Buổi chiều cùng ngày, anh Nguyễn Tấn Á tổ chức cuộc họp báo ngay tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng với sự hiện diện của nhiều phóng viên trong nước lẫn nước ngoài để tuyên bố quan điểm, mục đích đấu tranh. 

Sau sự kiện nổi bật này, Nguyễn Tấn Á bắt đầu bị theo dõi. Nhiều đảng phái, phe nhóm chính trị đã tìm cách tiếp xúc với Nguyễn Tấn Á để thăm dò chính kiến. Thủ tướng chế độ Sài Gòn cũ Trần Văn Hương và Tổng thống Dương Văn Minh cũng muốn gặp anh. Thậm chí họ còn có lời mời anh sang Mỹ rồi trở về sẽ làm Bộ trưởng. Nhưng anh tuyên bố: "Ở đâu có ngọn cờ chánh nghĩa là tôi theo. Ngọn cờ bất chánh không bao giờ tồn tại. Tôi không thể bán nước, bán rẻ lý tưởng của mình và anh em học sinh, đồng bào". Thời gian sau đó, anh Nguyễn Tấn Á cùng anh Hoàng Đôn Nhật Tân và một số nhân vật then chốt xây dựng lực lượng đấu tranh nên Trường Kỹ thuật Cao Thắng trở thành mũi nhọn xung kích của phong trào HS - SV thành phố. Người thanh niên từng làm Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn ngày ấy được chế độ cũ gọi là "con hùm xám" vì sự gan lì, dũng cảm. "Tôi tuy không còn trẻ nhưng dòng máu thanh niên trong con người tôi còn lớn lắm" - Nguyễn Tấn Á rưng rưng nước mắt sau cuộc trò chuyện. Hiện anh đang cùng mẹ già hơn 80 tuổi, vợ và 2 con nhỏ sống một cuộc sống đạm bạc trong ngôi nhà bình dị trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.