Cuộc săn lùng sâm đất

15/03/2006 23:10 GMT+7

Mấy tháng gần đây, hàng trăm người dân đã đổ xô đến xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre đào bới, săn lùng sâm đất bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Để tìm được loài động vật không xương sống, bụng chứa đầy đất và nước, dài từ 2 đến 6 phân này, "phường săn" đã thẳng tay tàn sát rừng phòng hộ Thạnh Phong.

Sâm đất xuất sang Trung Quốc

Nhìn từ bên ngoài, rừng phòng hộ Thạnh Phong thật im ắng. Thế nhưng, khi đi sâu vào rừng tái sinh sẽ nhanh chóng nhận ra những bãi đất trống bị cày nát với những thân cây bị bật tung rễ nằm ngổn ngang. Hầu hết các cây bị bứng trốc gốc là đước bần 2 năm tuổi, cao hơn 1m. Khu rừng phòng hộ bị phá nặng nề nhất là ở ấp 6, ấp 7, xã Thạnh Phong.

Sâm đất là... con gì ?

Theo ông Đặng Ái Việt - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy  sản TP.HCM, vài năm trước đây, ở khu vực Cần Giờ (TP.HCM) cũng có tình trạng người dân kéo nhau đi bắt con sâm đất. Tên khoa học của sâm đất là Sipunculus nudus, còn tên gọi dân gian thì mỗi vùng mỗi khác, ví dụ như con bi bi, con cạp đất... Ở Việt Nam, loài này có nhiều ở vùng biển Quảng Ninh và một số vùng biển khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sâm đất chỉ dùng để làm mồi câu cá, trong khi nó lại được phơi khô bán qua Trung Quốc để nấu cháo hoặc phở. Công dụng thì hầu như chưa có tài liệu nào nghiên cứu đầy đủ.

Q.Thuần

Một người dân địa phương cho biết, ngày nào cũng có người kéo nhau vào rừng, mang theo dao, xẻng, thùng để đào tìm sâm đất. Khi nước ròng là lúc người ta đi săn sâm đất rầm rộ nhất. Sâm đất sống ở dưới rễ cây, người đi săn có thể dễ dàng phát hiện bằng con mắt nhà nghề. Điều dễ nhận thấy là ở khu vực nào có sâm đất sinh sống thì cây rừng phát triển tốt. Sau khi chặt phá cây rừng, người ta lấy xẻng đào nhẹ tay để tìm sâm đất. Khoảng 160 con sâm đất cân nặng 1 kg. Người săn giỏi, một ngày có thể đào bới được gần chục ký sâm đất. Những lúc cao điểm, giá sâm đất lên tới 11.000đ/kg. Vì mức giá khá hấp dẫn này, người dân đã rủ nhau đi săn rầm rộ. Được biết lâu nay sâm đất có rất nhiều ở vùng rừng Thạnh Phong, nhưng chẳng ai chú ý đến vì nghĩ chúng là sâu bọ, không ăn được. Mãi đến đầu năm 2006, một số lái đến xã Thạnh Phong đặt mua sâm đất thì mọi người mới biết "giá trị" của chúng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sâm đất còn được dân địa phương gọi là con "chặt khoai" hay "đồn đột". Đó là một loài động vật không xương sống, thân mềm, bụng tròn chứa đầy đất và nước, dài từ 2 đến 6 phân, da màu xám, có con có vòi dài. Chúng đào hang dưới rễ cây và thích sống ở những gò cao có khí hậu ẩm. Sâm đất bình thường có thân mình mềm nhũn nhưng khi bị chà xát, chỉ vài giây sau mình nó căng cứng và phình to, bứt rất khó đứt, vòi phun xịt ra chất nước sền sệt. Tuy rầm rộ rủ nhau săn sâm đất để bán  nhưng người dân vẫn chưa biết chúng xuất sang Trung Quốc để làm gì ngoài những lời đồn đoán chúng dùng làm thuốc "tăng cường sinh lực" ! Một cán bộ kiểm lâm cho biết, mấy năm trước ở Vũng Tàu cũng từng có hiện tượng đào tìm sâm đất. Sau đó, một số thương lái đã đánh xe từ Vũng Tàu xuống Bến Tre để tìm mua sâm đất ở rừng phòng hộ.

Một ngày 1 ha rừng bị phá


Đào bắt sâm đất.

Ngày 14.3, ông Nguyễn Hữu Bé - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bến Tre thừa nhận, hiện tượng người dân ào ạt đi phá rừng săn tìm sâm đất là có thật. Ban đầu,  cán bộ kiểm lâm tưởng bà con đi đào bắt chem chép trong rừng phòng hộ nên không ngăn cấm, sau thấy lượng người vào rừng có ngày lên đến cả trăm nên kiểm lâm tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều khoảnh rừng đã bị tàn phá. Cũng theo ông Bé, nếu tính bình quân một người khai thác được từ 5-10 kg sâm đất/ngày thì diện tích rừng bị đào bới khoảng 100 mét vuông. Nếu 100 người vào rừng thì ít nhất có 1 ha rừng bị hạ gục mỗi ngày! Hiện nay, giá thu mua sâm đất rớt xuống còn 7.000đ/kg, số người vào rừng có giảm, chỉ còn khoảng vài chục người mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu giá thu mua tăng lên trở lại, chắc chắn số người vào rừng đào bới sẽ tăng lên, lan rộng khắp lâm phần của khu bảo tồn và cả các huyện khác.

Để chấm dứt việc tàn sát rừng, Chi cục Kiểm lâm Bến Tre vừa có công văn kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre ban hành thông báo tạm thời về việc cấm khai thác, vận chuyển mua bán sâm đất trên địa bàn tỉnh. Ông Bé cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch đào bới sâm đất, có khả năng hiện tượng tiêu cực này sẽ lan rộng sang các huyện, tỉnh thành lân cận gây hậu quả khó lường cho môi trường tự nhiên.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.