Cuộc trùng phùng lịch sử

02/05/2011 01:32 GMT+7

Trong những ngày cuối tháng 4, lần đầu tiên đại diện 54 dân tộc anh em khắp mọi miền đất nước đã tề tựu trên đất đảo trong cuộc trùng phùng lịch sử.


Đại biểu các dân tộc tại cột mốc chủ quyền đảo Nam Yết

Tàu gần đến đảo Nam Yết ở tọa độ 10015’54’’ độ vĩ Bắc - 114021’36’’ độ kinh Đông, thuyền trưởng HQ 996 - đại úy Võ Cát Khánh kéo 3 hồi còi vọng vang giữa biển trời Trường Sa. Tiếng còi không phải báo hiệu tàu chuẩn bị thả neo, mà là lời chào lá cờ Tổ quốc đang phấp phới tung bay trên đất đảo. Chị Phù Thị Chuyên, 33 tuổi, người dân tộc Pà Thẻn (vùng 3, thôn Trung Sơn, xã Hiếu Sản, huyện Bắc Quang, Hà Giang) vội tiến về phía boong tàu, reo lên: “Tới rồi!”. Cũng như nhiều đại biểu thuộc cộng đồng người Chăm, Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu, Chơ Ro, Dao, Kinh, Bana, Êđê, M’nông, Tày, Nùng, Hoa, H’rê…, chị Chuyên đã ý thức rõ ràng hơn, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là dải đất có hình chữ S.

Người Pà Thẻn ở vùng núi cao Trung Sơn chỉ có khoảng 100 hộ dân. Chị Chuyên chưa từng nhìn thấy biển cả, lâu nay chỉ thấy lướt qua trên ti vi. Vượt hàng trăm hải lý ra Trường Sa là điều mà chị chưa bao giờ dám nghĩ đến. Hôm cán bộ xã đưa thư mời đến tận nhà, dù công việc gia đình bộn bề nhưng chị đã đồng ý ngay lập tức. Chị nói với chồng con “phải lên đường thôi, có việc gì khi về lại sẽ tranh thủ làm”. Chị Chuyên vận bộ trang phục dân tộc độc đáo, với chiếc khăn đội đầu dài đến 4m, nặng gần 5 kg, phải mất gần một buổi mới quấn xong. Chị rất ngạc nhiên khi mới đặt chân lên đảo. Cây cối um tùm khắp nơi như núi rừng Tây Bắc quê chị. Nó rất khác so với hình dung ban đầu bởi “trên biển thì mình nghĩ làm gì có cây”.

Già làng A Théo, 63 tuổi, là một người con ưu tú của buôn làng Bana ở Kon K’tu, xã Đắk Rơwa, TP Kon Tum. Ông từng ra thủ đô Hà Nội, đi thăm các tỉnh Tây Bắc nhưng đây cũng là lần đầu tiên lên tàu thực hiện chuyến hải trình đặc biệt đến với quân và dân vùng biển đảo phía đông Tổ quốc. Trước ngày lên đường, già làng A Théo đã làm một hình mẫu nhà sàn Tây Nguyên tặng bộ đội Trường Sa. Những đảo đặt chân đến, già A Théo đều cố đi hết một vòng quanh, thu nhặt những mẩu san hô cẩn thận bọc vào bao ni-lông đã chuẩn bị sẵn để “làm quà Trường Sa tặng dân bản”.


Nhiều đại biểu trẻ đã bật khóc khi đến với Trường Sa - Ảnh: Đình Phú

Đoàn đã vượt qua chặng đường dài hơn 2.100 km trên biển, thăm hỏi, động viên, tặng quà quân và dân 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Đông, Đá Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa và nhà giàn DK1 (thuộc khu vực thềm lục địa phía nam). Cuộc trùng phùng giữa biển xa có những khoảnh khắc đầy xúc động, càng tô thắm cho sự gắn bó vẹn nguyên của khối đại đoàn kết các dân tộc với miền đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió.

Khi tàu HQ 996 ngang qua khu vực đảo Cô Lin, đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam do Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Lê Bá Trình làm trưởng đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm và thả vòng hoa tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Có nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ, đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ 604; anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương - Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội không được lùi bước. Đó là anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời trận địa, quyết giữ đảo đến cùng. Đó là anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đứng trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh mưu trí chỉ huy con tàu HQ 505 vừa chiến đấu với tàu địch, vừa nhanh chóng đưa tàu lên bãi ngầm Cô Lin để khẳng định chủ quyền biển đảo nước nhà.

Chị Chuyên, già làng A Théo và nhiều đồng bào khác đã bật khóc khi biết mặc dù Quân chủng Hải quân đã làm hết sức mình, nhưng do hoàn cảnh bất lợi, đến nay còn nhiều liệt sĩ vẫn đang phải nằm lại giữa biển khơi, giữa quần đảo Trường Sa quanh năm chịu nhiều bão tố. Họ là những người gắn bó với Trường Sa từ ngày giải phóng, tạm gác riêng tư, bất chấp nguy hiểm, chung sức chung lòng chiến đấu và hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Miền đất thiêng Trường Sa từ bao đời qua đã in dấu chân nhiều thế hệ con dân nước Việt đến an cư, giữ gìn chủ quyền biển đảo. Hành trình nơi nghìn trùng xa cách ấy nay tô đậm một mốc son về sức sống mới vào đúng những ngày tháng 4 lịch sử.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.