Cướp tiệm vàng: Vì sao khó truy bắt?

16/04/2015 08:19 GMT+7

(TNO) Đề cập đến những vụ cướp tiệm vàng gây chấn động dư luận gần đây, một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhận định, thủ phạm đa phần là người địa phương khác, có kinh nghiệm đối phó công an, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nên gây khó khăn cho việc phá án.

(TNO) Đề cập đến những vụ cướp tiệm vàng gây chấn động dư luận gần đây, một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhận định, thủ phạm đa phần là người địa phương khác, có kinh nghiệm đối phó công an, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nên gây khó khăn cho việc phá án.

Băng nhóm cướp tiệm vàng thường là loại tội phạm có tổ chức

"Đối tượng quá tinh vi nên khó truy bắt thủ phạm"

Thời gian gần đây, tại TP.HCM liên tục xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng, Cơ quan điều tra đã tập trung mọi lực lượng, sử dụng mọi nghiệp vụ để điều tra, tìm đối tượng bỏ trốn. Tuy nhiên, việc điều tra gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với Thanh Niên Online, Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, các đối tượng trong vụ các cướp tiệm vàng phần lớn là người từ địa phương khác đến gây án, có kinh nghiệm đối phó với công an, thực hiện các vụ cướp rất nhanh chóng, rồi bỏ trốn về các nơi xa địa bàn xảy ra vụ cướp; nên nhiều vụ rất ít manh mối để tìm ra thủ phạm.

Các đối tượng này thường theo dõi, chú ý bị hại (các chủ tiệm vàng) trong thời gian dài để nắm được hoạt động trong ngày của bị hại như thế nào. Hầu hết các đối tượng này đều có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Vũ khí được bọn cướp sử dụng nhiều là súng, thường được mua tại Campuchia. Chúng thường chọn thời điểm ra tay vào lúc trời mưa hoặc thời tiết xấu, thời gian thường từ 18 đến 19 giờ (khi bị hại chuẩn bị gom vàng vào giỏ đưa về nhà) để thực hiện hành vi cướp. Khi nạn nhân mang túi xách đựng vàng ra khỏi tiệm để mang về nhà, bọn cướp thường dùng súng bắn vào vai hoặc tay nạn nhân để cướp.

Trời mưa là thời điểm cướp thích hợp nhất, bởi bị hại cũng như người dân đều ngại đuổi theo những tên cướp vì sợ nguy hiểm.

Những băng cướp này đa số là những người có nhân thân xấu, có tiền án tiền sự, nghiện ngập và cần nhiều tiền để chi tiêu cá nhân (đi bar, vũ trường, đánh đề, chơi game, cá độ bóng đá...).

Thượng tá Trần Văn Quảng, Phó Trưởng phòng Phòng phòng chống tệ nạn xã hội,
Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an

Thượng tá Trần Văn Quảng (Phó Trưởng phòng Phòng phòng chống tệ nạn xã hội, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) cho biết thêm có những nhóm đối tượng rất xảo quyệt, chúng không thực hiện hành vi trộm cướp vàng thường xuyên, ví dụ hôm nay thực hiện 1 vụ thì đến 1 năm sau chúng mới bắt đầu chuẩn bị vũ khí mới để thực hiện vụ cướp tiệm vàng khác, ở địa điểm khác. Những đối tượng như thế dường như đã có cách đối phó với cơ quan điều tra.

Nhiều trường hợp, sau khi cướp tiệm vàng và trốn thoát, bọn cướp đun nấu vàng thành thỏi rồi đem đi bán ở các điểm khác nhau, nên việc phá án càng khó hơn.

Cướp tiệm vàng sau 11 năm mới bị bắt

Lê Anh Kiệt, kẻ cướp tiệm vàng
sau 11 năm mới bị bắt
       

Có những vụ án sau 10 năm mới phá, trong thời gian CQĐT truy tìm tội phạm thì các đối tượng này lại thực hiện hàng chục vụ cướp tiệm vàng bằng súng, cướp được gần 1.000 lượng vàng ở các tỉnh thành khác nhau.

Nổi cộm nhất là vụ án Lê Anh Kiệt (52 tuổi, ngụ Q.8) cùng đồng bọn dùng súng cướp 783 lượng vàng, 84 viên kim cương và gần 600 triệu đồng xảy ra tại TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Long... 

Nhắc lại vụ án này, một lãnh đạo Công an kể lại: “Kiệt hành nghề bán rau cải, có con học đại học, ở nhà là người chồng, người cha tốt nên trong gia đình không ai tưởng tượng rằng chồng, cha mình có thể giết người, cướp vàng, gây ra hàng loạt vụ án lớn hơn 10 năm như thế...”.

Cũng theo một trinh sát tham gia phá trọng án này, các đối tượng sau khi cướp tiệm vàng thì bỏ chạy bằng xe máy một đoạn và quay đầu xe theo hướng ngược lại với tốc độ 30 - 40km/giờ như những người dân lưu thông bình thường nhằm đánh lạc hướng nếu bị phát hiện.

Ngoài ra, phạm vi hoạt động của chúng rất rộng, như ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Cà Mau...

Tiệm vàng nên lắp nhiều camera, dùng kính cường lực

Theo đại tá Vũ Hoàng Kiên, các chủ tiệm vàng nên lắp đặt nhiều hệ thống camera khác nhau, nếu có xảy ra vụ việc thì thuận lợi cho Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra và dễ tìm ra tội phạm. Ngoài ra, các tiệm vàng phải có người bảo vệ trông coi vào những giờ cao điểm.

Đặc biệt, các tủ kính trưng bày vàng là loại kính thường nên dễ bị đập bể. Các tiệm vàng nên dùng kính cường lực chống va đập để làm tủ trưng bày vàng.

Các băng nhóm thường xuyên sử dụng súng để cướp tiệm vàng

Các đối tượng chuyên nghiệp thường xóa sạch dấu vết sau khi thực hiện các vụ cướp. Tâm lý của bị hại thường sợ hãi, hoảng loạn, đối tượng thường bịt kín mặt nên bị hại không thể nhớ đặc điểm nhận dạng của chúng như thế nào nên rất khó cho Cơ quan điều tra.

Việc cướp tiệm vàng thời gian qua xảy ra nhiều nên những người kinh doanh vàng cần cảnh giác, đề phòng. Khi xảy ra sự việc, cần bình tĩnh để xử lý (nhấn chuông báo động, gọi điện cho cơ quan công an...).

Cơ quan Công an đề nghị các ngành chức năng ở địa phương nên tuyên truyền cho các chủ tiệm vàng về các âm mưu, phương thức, thủ đoạn của những loại tội phạm nguy hiểm này. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tăng cường việc giám sát ở địa điểm, tuyến đường nhạy cảm, thuận lợi cho các đối tượng thực hiện hành vi cướp các tiệm vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.