Cựu Cục trưởng C50 nhận tội

23/11/2018 06:26 GMT+7

Trước tòa chiều 22.11, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng C50, gửi lời xin lỗi lãnh đạo Bộ Công an vì đã làm ảnh hưởng đến thanh danh của ngành.

Cụ thể, trước tòa, cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, trả lời rõ ràng, xác nhận đã nghe rõ phần luận tội của Viện KSND tỉnh Phú Thọ (VKS); đồng thời thừa nhận tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ mà VKS truy tố như trong cáo trạng.
“Ngày 31.8 vừa qua, sau khi nhận được cáo trạng, bị cáo đã có đơn gửi TAND tỉnh Phú Thọ và VKS nhận trách nhiệm, đã nhận toàn bộ tội trong cáo trạng nêu, cụ thể là lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, bị cáo Hóa nói.
“Bị cáo xin thành thật xin lỗi”
Lý giải về việc khi trả lời thẩm vấn trước tòa đã phủ nhận nhiều tình tiết mà trước đó đã thừa nhận như trong cáo trạng nêu, bị cáo Hóa nói: “Hôm trước trả lời thẩm vấn, bị cáo chỉ muốn giải trình thêm về mối quan hệ giữa bị cáo và các anh em ở C50, pháp lý giữa C50 với Công ty CNC. Nhưng do mất kiểm soát về mặt suy nghĩ nên đã có những lời lẽ trái với việc đã khai, đã nhận trong đơn nhận tội ngày 31.8.2018 mà cáo trạng của VKS đã nêu. Vì vậy, đã gây ảnh hưởng, khó khăn cho việc thẩm vấn của HĐXX, VKS. Bị cáo thành thật xin lỗi HĐXX, VKS cũng như những đồng đội tại C50 đã đến tòa tham gia đối chứng. Bị cáo cũng chân thành gửi lời xin lỗi đến Công ty CNC, anh Nguyễn Văn Dương. Quả thực, CNC cũng như anh Dương đã giúp đỡ C50 rất nhiều về phần mềm, kỹ thuật, đào tạo nhân lực…”.
Sau phần lý giải, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đã “xin thừa nhận tất cả tội lỗi của mình, xin chấp nhận những lời luận tội của VKS tại cáo trạng”, đồng thời bày tỏ ăn năn. “Qua đây, bị cáo cũng muốn bày tỏ lời xin lỗi đối với lãnh đạo Bộ Công an về những việc làm của mình gây ảnh hưởng đến thanh danh của Bộ Công an, ngành công an. Xuất phát từ mong muốn xây dựng được lực lượng tiên tiến về phòng chống tội phạm công nghệ cao nhưng sự việc không thành, để đến ngày hôm nay, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều. Bị cáo là người Cục trưởng C50 đầu tiên đặt móng, xây dựng nền tảng cho lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao đẹp đẽ, nhưng chính bị cáo cũng xóa bỏ hình ảnh đó, dù có ân hận, xin lỗi cả ngàn lần cũng không thể quay về được, bị cáo xin thành thật xin lỗi…”, bị cáo nói.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa mong HĐXX khi xem xét, lượng hình chiếu cố giảm án “để được sớm về đoàn tụ cùng gia đình, chịu tang mẹ”. “Mẹ chỉ có mỗi mình bị cáo. Khi mẹ mất bị cáo cũng không được gặp mẹ lần cuối và đến giờ vẫn chưa thắp nén hương nào cho mẹ để linh hồn mẹ bị cáo được siêu thoát. Bị cáo còn con nhỏ, đang học phổ thông, rất cần chỗ dựa tinh thần”, bị cáo Hóa nói.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa sau đó, luật sư (LS) Đỗ Ngọc Quang giải thích việc bị cáo Hóa có lời khai lộn xộn, bất nhất là ảnh hưởng của vết thương do 2 mảnh đạn còn nằm lại trong đầu từ năm 1971. Từ đó, LS Quang đề nghị HĐXX xem xét việc bị cáo đã thành khẩn, ăn năn hối lỗi, nhận rõ cái sai của mình trong phần phát biểu tranh luận với VKS tại phiên tòa.
Nguyễn Văn Dương có vai trò cầm đầu tổ chức đánh bạc
Trước đó, sáng cùng ngày, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), LS Trần Hồng Phúc dẫn giải khá nhiều luận cứ để khẳng định việc thành lập CNC làm công ty bình phong của C50 là nhằm thực hiện đề án đã được cơ quan có thẩm quyền Bộ Công an phê duyệt. Các hoạt động của CNC đều được Nguyễn Văn Dương báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo C50 và Tổng cục Cảnh sát. Bên cạnh đó, việc vận hành cổng trung gian thanh toán game bài được các cơ quan này cũng như cơ quan thanh tra, kiểm tra biết rõ, nhưng sau đó xác định không vi phạm pháp luật, không phải xử lý. “Bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh công ty bình phong được dung dưỡng sai phạm mà không dễ nhận thức vi phạm pháp luật hình sự đó phải bị xử lý, không có khuyến cáo, cảnh báo nào về hoạt động của CNC mặc dù thực hiện báo cáo thường xuyên, chịu sự quản lý và giám sát của C50”, LS Phúc nêu.
LS Phúc cũng cho rằng, game Rikvip bị quy kết là cờ bạc do yếu tố đổi thưởng, nhưng việc đổi thưởng do Công ty Nam Việt quản lý thông qua hình thức đổi ra thẻ cào và đổi tiền qua đại lý, chứ CNC không làm việc này. CNC chỉ có vai trò ở hình thức người chơi nạp thẻ viễn thông, nhưng không trực tiếp kết nối các nhà mạng cũng như không kết nối với người chơi mà phải thông qua các công ty trung gian. Từ đó, LS Phúc cho rằng quan điểm truy tố của VKS truy tố bị cáo Dương là chủ mưu, cầm đầu vận hành toàn bộ game bài có phần nặng cho bị cáo và chưa thực sự khách quan.
Đối đáp lại các LS, đại diện VKS cho rằng việc CNC là công ty bình phong của C50 đã được nêu đầy đủ trong cáo trạng cũng như quan điểm luận tội của Viện, nên không tiếp tục tranh luận. Tuy nhiên, đại diện VKS phản bác lập luận của LS về vai trò của CNC, trong đó Dương là người đứng đầu. Theo đại diện VKS, vai trò CNC, VTC Online và Nam Việt trong việc tổ chức đánh bạc là khác nhau, trong đó CNC có vai trò cầm đầu. Đại diện VKS nêu: khi đó Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VTC Online, xác định công ty có đầy đủ game để phát hành nhưng không làm được vì rào cản pháp lý, nếu phát hành thì vi phạm pháp luật ngay. Do đó, Nam đã gặp Dương để hỏi về việc phát hành các game bài và Dương nhận trách nhiệm lo thủ tục phát hành. Tiếp đó, trong quá trình vận hành game, CNC còn thực hiện gạch thẻ viễn thông, đăng ký thương hiệu, thuê đầu số chăm sóc khách hàng để giải đáp thắc mắc cho người chơi game bài. “Nếu không có CNC thì VTC Online và Nam Việt có phát hành được game bài không? Nếu game bài chỉ nằm trong máy tính không được đưa lên mạng thì không có vụ án xảy ra”, công tố viên khẳng định.
Đại diện VKS cũng giải thích, dù cùng tội danh tổ chức đánh bạc với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù, nhưng Nguyễn Văn Dương bị đề nghị mức án 8 - 9 năm tù trong khi Phan Sào Nam chỉ bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù là do tới nay Dương chỉ mới nộp khắc phục 240 tỉ trong tổng số 1.600 tỉ hưởng lợi bất chính; trong khi Phan Sào Nam đã khắc phục 90,7% trong tổng số tiền 1.400 tỉ đồng hưởng lợi từ game bài. Bên cạnh đó, VKS cũng cho rằng việc khắc phục 240 tỉ đồng không phải do Dương tự nguyện nộp mà do cơ quan điều tra trong quá trình khám xét đã thu 2 sổ tiết kiệm...
Tại tòa, trong phần bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam, nhóm LS viện dẫn nhiều quy định luật, tình tiết giảm nhẹ án cho bị cáo, đồng thời đề nghị VKS xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền đối với Phan Sào Nam. Tuy nhiên, đại diện VKS bảo lưu quan điểm rằng phải truy tố Phan Sào Nam tội rửa tiền, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.
Đề nghị xem xét sai phạm của các nhà mạng, ngân hàng
Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, LS Trần Hồng Phúc cho rằng các nhà mạng viễn thông cũng như ngân hàng có trách nhiệm trong việc “giúp sức” cho sự vận hành hệ thống và nuôi dưỡng game bài Rikvip/Tip.club. LS này lập luận, chính sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng để cho công ty trung gian thanh toán kết nối với nhà mạng nhằm gạch thẻ dẫn tới vụ án.
“Nếu các nhà mạng không cho phép gạch thẻ cào viễn thông của mình thanh toán cho các dịch vụ game thì không có việc dùng thẻ điện thoại đổi rik chơi game”, LS Phúc lập luận và cho rằng việc sau khi vụ án bị khởi tố, các nhà mạng dừng dịch vụ thẻ cào thanh toán trực tuyến đã chứng minh các nhà mạng nhận thấy lỗi sai của mình. Bên cạnh đó, việc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS) với 49% cổ phần của Ngân hàng Nhà nước ký hợp đồng hợp tác kết nối thanh toán cho game bài Rikvip/Tip.club là có dấu hiệu vi phạm, vì NAPAS phải biết đang chạy dịch vụ gì ở cổng thanh toán của mình. LS Phúc cũng cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của Ngân hàng Vietcombank, ngân hàng có kết nối trực tiếp với game bài Rikvip và hưởng lợi trực tiếp, cùng với hơn 30 ngân hàng khác phát hành thẻ ATM cho người chơi bạc trong vụ án này.
Đối đáp với phần tranh luận của LS, đại diện VKS khẳng định việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị liên quan trong đó có các ngân hàng sẽ được tách ra, tiếp tục làm rõ trong giai đoạn 2, do trong vụ án này hết thời hạn điều tra. Đối với hành vi “chống lưng” cho Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trực tuyến của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, đến nay cơ quan điều tra chưa có chứng cứ xác minh bị cáo Vĩnh và Hóa nhận lợi ích vật chất cho cá nhân nên sẽ tiếp tục điều tra ở giai đoạn 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.