Cứu nạn tàu Hoàng Phúc 18: Gặp gỡ 'tham mưu trưởng' thầm lặng

02/11/2015 09:51 GMT+7

(TNO) Theo một chiến sĩ biên phòng đồn Long Hòa (Cần Giờ, TP.HCM), ông Thu là ngư dân dày dạn sóng gió nhất ở Cần Giờ. Ông luôn là “tham mưu trưởng” cho lực lượng cứu hộ mỗi khi xảy ra sự cố. Bởi chẳng ai hiểu biết luồng lạch, con nước ở đây bằng ông.

(TNO) Theo một chiến sĩ biên phòng đồn Long Hòa (Cần Giờ, TP.HCM), ông Thu là ngư dân dày dạn sóng gió nhất ở Cần Giờ. Ông luôn là “tham mưu trưởng” cho lực lượng cứu hộ mỗi khi xảy ra sự cố. Bởi chẳng ai hiểu biết luồng lạch, con nước ở đây bằng ông.

 

Người ngư dân thầm lặng miệt mài hỗ trợ lực lượng cứu hộ tìm kiếm các thuyền viên mất tích - Ảnh:Hoài NhơnNgười ngư dân thầm lặng miệt mài hỗ trợ lực lượng cứu hộ tìm kiếm các thuyền viên mất tích - Ảnh:Hoài Nhơn
Sau khi cứu được 2 thuyền viên và chuyển nhiều thuyền viên tàu Hoàng Phúc 18 gặp nạn khác đưa vào bờ, người đàn ông có nước da ngăm đen ăn vội chén cơm rồi lại tiếp tục đồng hành cùng lực lượng chức năng ra khơi tìm kiếm người gặp nạn.
Người ngư dân với đôi mắt quầng thâm thiếu ngủ
Sáng 31.10, chúng tôi theo tàu chở lực lượng cứu hộ ra hiện trường. Trên con tàu ấy, có một người đàn ông da ngăm đen, đôi mắt sáng, trạc 40 tuổi, liên tục chỉ hướng và trao đổi phương án cứu hộ ngoài khơi. Thoạt tiên, chúng tôi cứ nhầm tưởng ông là một cán bộ chỉ huy đội cứu hộ cứu nạn. Hỏi ra mới biết ông là một ngư dân tham gia hỗ trợ công tác cứu nạn.
Ngư dân Phạm Văn Thu (43 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP.HCM) nói mình không thể ăn ngon ngủ yên khi ngoài kia vẫn còn người mất tích.
Mọi phương tiện được huy động để tìm kiếm các thuyền viên mất tích - Ảnh:Hoài Nhơn
“Khi tàu Hoàng Phúc 18 bị lật, tàu tôi đang đánh cá gần đó. Sau khi đưa được 2 người vào bờ, tôi quyết định quay ngược trở lại vì nghĩ tôi biết vị trí tàu chìm nên sẽ giúp ích được phần nào cho lực lượng cứu hộ”, ông Thu nói.
Kể từ đó, suốt 4 ngày qua, ông Thu vẫn chưa hề có một phút nghỉ ngơi. Đôi mắt ông thâm quầng vì thiếu ngủ và mỏi mệt, nhưng ông vẫn theo sát đoàn cứu hộ, làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình.
Nói về ân nhân cứu mạng, thuyền viên Hoàng Văn Biên cho biết: “Sau khi được cứu lên bờ tôi và Sang (thuyền viên gặp nạn được ông Thu cứu) có đến nhà tìm ông Thu để cảm ơn, nhưng bà Đẹt (vợ ông Thu) nói ông ấy chỉ kịp về nhà tắm, ăn cơm rồi chạy đi theo bộ đội tiếp tục cứu hộ vụ tàu đắm. Tôi cảm phục tấm lòng của ông ấy lắm”.
Giây phút cứu người cảm động
Khoảng 7 giờ 30 ngày 31.10,  tàu chúng tôi tiếp cận tàu gặp nạn, đang lật úp nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chứng kiến hình ảnh đó, lòng ai cũng thắt lại, lo lắng cho sự sống của các thuyền viên mất tích.
Niềm hy vọng lại được nhen nhóm khi bên trong thân con tàu lật phát ra tiếng “bốp, bốp…”. Tất cả mọi người trên tàu kiểm ngư, trong đó có ông Thu, vô vùng vui sướng vì biết rằng sự sống vẫn còn tồn tại trong bên dưới con tàu. Sau đó, ông Thu cùng lực lượng cứu hộ lao nhanh lên thân tàu lật úp, tìm mọi cách để giải cứu thuyền viên gặp nạn.
Ngư dân Nguyễn Minh Luân (phải) vui mừng khi cứu được thuyền viên Tường - Ảnh:Hoài Nhơn
Gần 2 giờ trôi qua, nhiều phương án cứu hộ được triển khai nhưng vẫn chưa thể tiếp cận thuyền viên đang mắc kẹt bên trong. Sau đó, chính ông Thu là người đề xuất gọi 8 ngư dân chuyên lặn ốc gần đó đến hiện trường phối hợp cùng đội lặn chuyên nghiệp của Cảnh sát PCCC TP.HCM, lặn xuống bên dưới con tàu đắm để cứu người.
“Những người ngư dân đó họ sống bằng nghề lặn mò ốc móng tay, ngọc trai nên lặn giỏi lắm. Họ có thể lặn dưới nước hàng tiếng đồng hồ, và họ thân thuộc vùng biển này nên dễ hỗ trợ công tác cứu hộ”, ông Thu nói.
Chưa đầy 1 giờ sau, chính ngư dân Nguyễn Minh Luân đã giải cứu thành công thuyền viên Nguyễn Trung Tường (quê Hà Tĩnh) đang mắc kẹt trong khoang chứa hàng.
Khi anh Tường trồi lên mặt nước, hàng chục người như vỡ òa trong niềm vui khó tả. Còn ông Thu, dù vui sướng nhưng ông vẫn giữ nét mặt bình tĩnh. Ông chưa thể vui khi vẫn còn thuyền viên gặp nạn chưa cứu được.
Thuyền viên gọi báo gia đình mình đã thoát nạn trong vụ chìm tàu - Ảnh:Hoài Nhơn
Đến sáng 1.11, ông Thu lại bỏ hết công việc thường ngày của mình để tiếp tục đồng hành cùng lực lượng ra hiện trường tìm kiếm 4 thuyền viên còn lại. Giọng ông Thu run run gọi về từ hiện trường: “Bây giờ đã tìm thấy hai thi thể và đang chuyển về Vũng Tàu em ơi. Đau xót quá. Giá như…”
Theo một chiến sĩ biên phòng đồn Long Hòa (Cần Giờ), ông Thu là ngư dân dày dạn sóng gió nhất ở Cần Giờ. Ông luôn là “tham mưu trưởng” cho lực lượng cứu hộ mỗi khi xảy ra sự cố. Bởi chẳng ai hiểu biết luồng lạch, con nước ở đây bằng ông.
Chiều 1.11, chúng tôi liên lạc với ông Thu. Bên kia đầu dây, ông bảo: “Vẫn chưa tìm được 2 người còn lại. Ngày mai tui sẽ tiếp tục cùng đoàn cứu hộ ra hiện trường, hy vọng sẽ tìm thấy những người đó”.
"Tui cứu hoài chớ gì, không nhớ hết đâu"
Ông Thu kể: Lúc đó thuyền tui đang đánh cá, cách tàu bị nạn khoảng 1 hải lý. Khi chuẩn bị chạy về bờ thì tui thấy ánh đèn bin chỗ tàu bị nạn quơ tán loạn. Dân mần biển nên tui đoán được có chuyện chẳng lành, tui liền cho ghe chạy đến ứng cứu.
Lúc đó, hai người mặc áo phao (anh Trần Minh Sang, Hoàng Văn Biên – NV) được tui vớt lên ghe. Ngày hôm đó tui và mấy anh em quần lên, quần xuống tới 1 giờ sáng. Tìm kiếm xung quanh khoảng 3 hải lý thì rút về, bởi triều cường lên quá cao không thể tìm kiếm được.
- Anh nghĩ ra cách giải cứu được một thuyền viên bị mắc kẹt trong thân tàu phải không ạ?
- Trong lúc các lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận nạn nhân, tui sốt ruột lắm. Mình đang sống, trong đó cũng có mạng người nên tui đứng ngồi không yên. Sau đó tui gọi điện thoại tán loạn, cuối cùng được sự đồng ý của ông Triển (ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - PV) để tìm kế, đặng cứu sống cho bằng được nạn nhân.
Tàu cứu hộ đang vớt một thi thể nạn nhân trong vụ chìm tàu vào trưa ngày 1.11 - Ảnh: Trác Rin
Lúc đó tui liền gọi cho đám bạn thuyền dưới Kiên Giang đang lặn mò bắt cá, chem chém gần đó đến hỗ trợ. Mấy người trong nhóm hội ý và quyết định xin lực lượng cứu hộ một cái vòi của ruột xe máy, đặng xuống đó móc vào mặt nạ ô xi để nạn nhân tập thở dần dần. Một lát sau, anh em bạn thuyền cứu sống được nạn nhân đưa lên.
- Nguy hiểm lắm phải không?
- Nói thiệt, khi chui vào khoang tàu là sống chết của anh em đã không thể tự quyết định nữa rồi. Mà sông nước mà, mình phải biết giúp đỡ, hỗ trợ, đặc biệt là trong lúc sinh tử như thế này chứ.
- Mấy hôm xảy ra vụ việc, thấy anh cứ thức suốt
- Tui phải thức để cùng anh em tàu Kiểm ngư KNTS 2899 ra hiện trường. Mình rành địa bàn, con nước ra sao nên ra để góp ý, hỗ trợ lực lượng chức năng cứu nạn. Đã 2 ngày 1 đêm rồi tui chưa ngủ được giấc nào.
- Thế công việc rồi gia đình, rồi con cái?
- Trong nhà có một cháu học lớp 3, một cháu mới 2 tuổi. Hồi hôm giờ tui giao hết cho mẹ nó trông coi. Công việc thì bỏ đó chứ sao, cũng may vợ luôn động viên, ủng hộ tui làm những việc này nên tui không lo đâu.
- Từ trước giờ, anh đã cứu được nhiều người gặp nạn trên biển?
- Tui cứu hoài chứ gì. Mà không nhớ hết đâu, mới năm ngoái, hồi tháng 11.2014 tui cứu được một ngư dân bị lật thuyền ở Tiền Giang. Sau đó tui được Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ tặng giấy khen.
Trác Rin (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.