Đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng đình chỉ những cán bộ hành dân

Vũ Hân
Vũ Hân
26/05/2018 13:16 GMT+7

Ủng hộ cao việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền để kiên quyết xử lý các cán bộ nhũng nhiễu, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trước hết Thủ tướng có thể đình chỉ những cán bộ hành dân , tham nhũng lãng phí...

Thảo luận tại hội trường sáng nay 26.5, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ việc cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân rất lớn.
Thời gian qua, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; nhưng tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.
“Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai, dịch bệnh. Lương cán bộ ở cơ sở 1 tháng chỉ 1,3 triệu đồng, cả năm được 15 triệu đồng, vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỉ, các dự án thua lỗ nghìn tỉ”, đại biểu Dung nói và cho rằng, cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phổ biến, bên cạnh nguyên nhân chính là vấn đề thể chế.
“Thể chế chính sách quản lý kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực còn nhiều vướng mắc. Đây là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn Nhà nước, công tác cán bộ. Khi phát hiện tham nhũng, phần lớn tài sản đã tẩu tán cũng do thể chế, quy định mang tính nguyên tắc”, bà Dung nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu trước Quốc hội Ngọc Thắng
Sốt ruột về việc luật Phòng, chống tham nhũng đã sửa đổi 3 năm mà vẫn mãi trong tình trạng đang trình Quốc hội, và kỳ họp này luật vẫn chưa được thông qua để kéo dài thời gian lấy ý kiến, đại biểu Dung cho rằng đến đến kỳ họp thứ 6 “không còn lý do nào nữa” để chưa thông qua luật này.
Kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu
Cũng liên quan đến chủ đề tham nhũng, cải cách bộ máy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặc biệt tán thành việc Chính phủ đề ra phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, trong đó kỷ cương được đặt lên hàng đầu, vì nếu không có kỷ cương kỷ luật chặt chẽ trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.
“Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về sự giàu mạnh hay hèn yếu của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Sẽ không thể trụ vững trước yêu cầu ngày càng cao tăng trưởng, phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật nếu không giữ được kỷ cương”, đại biểu Nhưỡng nêu và đề nghị Chính phủ luôn kiểm soát bộ máy hành chính bằng 10 chữ trên.
Ủng hộ cao việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền được nhân dân và Quốc hội trao để kiên quyết xử lý các cán bộ nhũng nhiễu, đại biểu Nhưỡng cho rằng, trước hết Thủ tướng có thể đình chỉ những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng lãng phí, nhất là trong thu chi ngân sách nhà nước, bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ không trong sáng, các dự án ngàn tỉ đắp chiếu... Nhân dân rất mong chờ sự chuyển biến trong vấn đề này.
Đai biểu Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đồng thời xây dựng thương hiệu Việt thông qua xây dựng một nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất kinh doanh có đạo đức. "Đó là tinh thần căn bản của một nền kinh tế tử tế trong đó mọi người biết tự trọng, biết yêu giống nòi Tổ quốc, không kiếm tiền bằng mọi giá, không làm lợi bằng cách đầu độc con người”, ông Nhưỡng nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.