Dân khổ vì... titan

15/06/2011 22:28 GMT+7

Người dân ở H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang thấp thỏm sống trong tình trạng các đơn vị khai thác titan ngày đêm tàn phá rừng, đất sản xuất.

Công ty CP xuất nhập khẩu (XNK) Quảng Bình được cấp phép khai thác titan tại thôn Tây Thôn, xã Ngư Thủy Nam trong thời gian 36 tháng (từ 10.2008 -10.2011), với diện tích hơn 18 ha. Vị trí mỏ phía nam giáp khe Đất Sét, phía đông giáp bờ biển, phía bắc giáp khe Mù U và khu dân cư. Điều này đã gây nên nhiều mối lo cho dân địa phương bởi Ngư Thủy Nam là xã bãi ngang với mênh mông trảng cát trắng bạc màu, người dân không có đất sản xuất, nguồn thu từ đánh bắt gần bờ bấp bênh. Vì vậy, cuộc sống của người dân Tây Thôn trông chờ vào diện tích ít ỏi của 2 khe Đất Sét và Mù U; họ trồng khoai lang, lạc và một số loại rau màu khác. Nhưng giờ nguồn sống này cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

 
Từng động cát do san ủi mặt bằng, lọc titan đang chảy xuống đất sản xuất - Ảnh: T.Q.Nam 

Người dân đang phải đối mặt trước những nguy hại. Thứ nhất là, tình trạng cát bồi lấp do một lượng lớn cát tràn xuống từ san ủi mặt bằng, cát đào mỏ và đặc biệt là những đụn cát to đó khi không có cây chắn càng tạo điều kiện cho gió cuốn xuống vùi lấp khe. Thứ hai là, khi ngăn nước để khai thác titan thì đồng thời nước cũng thấm, ứ đọng sang khe Đất Sét khiến cây cối không phát triển được.

Ngoài ra, do khoảng cách khai thác quá gần nên mạch nước nguồn ở khe Mù U sẽ tụt giảm, ảnh hưởng đến các hồ cá của dân. Công ty CP XNK Quảng Bình đã hỗ trợ 2.500 đồng/m2/vụ, nhưng theo người dân thì mức hỗ trợ này quá thấp.

Điều đặc biệt nghiêm trọng là rừng dương được trồng hàng chục năm qua để giữ đất, giữ làng giờ bỗng nhiên bị ủi tung gốc, trơ ra trống trải. Nguy cơ biển xâm thực rất lớn.

Hiện tại, rừng ở các vị trí được cấp phép khai thác titan là rừng sản xuất, được chuyển đổi mục đích sử dụng, quy hoạch để phát triển kinh tế nhưng trước kia đều là rừng phòng hộ ven biển. Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình cho biết hiện có 4 đơn vị được cấp phép khai thác titan trên địa bàn quản lý của ban gồm: Công ty CP XNK Quảng Bình 2 mỏ (126,4 ha ở xã Sen Thủy; 18,15 ha ở xã Ngư Thủy Nam), Công ty Hoàng Long 35,69 ha (xã Sen Thủy), Công ty Sen Hồng 25,09 ha (xã Sen Thủy), Công ty Thanh Bình 4,5 ha. Số liệu do UBND xã Ngư Thủy Nam cung cấp cũng cho thấy trước đó có 4 đơn vị khai thác titan là Công ty thương mại tổng hợp Quảng Bình (56,85 ha), Công ty CP XNK Quảng Bình và 2 đơn vị khác ở Nghệ An.

Các dự án titan đã thay nhau băm nát 2 xã miền biển. Trong khi đó, trữ lượng titan tại Quảng Bình không cao nên phải khai thác theo kiểu “tận thu”. Việc cấp phép khai thác titan tại Quảng Bình khiến cho người dân phải gánh chịu hàng loạt hệ lụy. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình xem xét cân nhắc giữa mối lợi trước mắt và những nguy hại về sau để có quyết sách đúng đắn.

Trương Quang Nam 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.