Đánh giá tác động chính sách còn chủ quan, lạm dụng quy định để 'rút' luật

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/02/2020 18:10 GMT+7

Đại biểu Quốc hội nêu tình trạng các báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong các hồ sơ qua loa, định tính, chủ quan, trong khi quy định điều chỉnh chương trình xây dựng luật bị lạm dụng để rút luật.

Sáng 27.2, Ủy ban Pháp luật Quốc hội hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, vấn đề trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là những nội dung mà Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các đại biểu tập trung góp ý.
Theo ông Tùng, luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2015, mới có hiệu lực được hơn 3 năm. Thực tế, nhiều nội dung, tư tưởng mới của Luật năm 2015 mới được triển khai thực hiện, chưa có đủ thời gian để tổng kết, đánh giá phục vụ việc sửa đổi.
Vì vậy, trong lần sửa đổi này, Chính phủ chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tập trung thể chế hóa chỉ đạo của Ban Bí thư theo hướng: nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật.

Chấp hành không nghiêm túc, bổ sung rồi lại xin rút

Tại hội nghị, các đại biểu chỉ ra một số vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà đại biểu Quốc hội nêu không phải do quy định của Luật, mà là do quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm; một số vấn đề khác cũng mới được thực hiện, cần có thêm thời gian để tổng kết, đánh giá trước khi sửa đổi, bổ sung.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho hay, thời gian qua, có nhiều luật không làm đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung thực hiện qua loa, hình thức, nhất là việc báo cáo đánh giá tác động, thiếu định lượng mà chỉ định tính, chủ quan. Việc tuân thủ quy định thời gian trình, hồ sơ dự án trình không bảo đảm.
Do đó, các đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi này, chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như đề nghị của Chính phủ; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội sửa đổi thêm một số vấn đề khác thực sự gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Các đại biểu cũng lưu ý đến tình trạng lạm dụng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để đề nghị bổ sung dự án hay rút dự án ra khỏi chương trình, nhiều dự án được đề nghị bổ sung ngay gần sát kỳ họp. Điều này ảnh hưởng đến việc xem xét nội dung dự án luật của các đại biểu Quốc hội.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết thêm, thời gian qua, việc bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được chấp hành nghiêm túc, đề nghị bổ sung rồi lại xin rút. Các quy định về thời hạn trong quy trình xây dựng luật liên tục bị vi phạm.
The ông Cương, việc đưa dự án vào chương trình hay rút ra cần phải căn cứ vào chất lượng của dự án, tránh tình trạng phải cố làm vì đã có trong chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự luật

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, với những khó khăn vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, cần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận tại hội nghị

Ảnh Hải Ninh

Đa số ý kiến đồng tình với phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Việc quy định luật hóa trách nhiệm của phó chủ tịch Quốc hội bảo đảm đồng bộ với luật Tổ chức Quốc hội.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng cho biết, dự thảo Luật cũng sửa đổi bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan trong tiếp thu, chỉnh lý, đặc biệt là vai trò của cơ quan trình trong bảo vệ ý kiến, bám sát và chủ động nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Qua đó, nâng cao trách nhiệm phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý.
Bên cạnh đó, các ý kiến khác như về việc phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên tắc áp dụng pháp luật, việc bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp luật... sẽ được Ủy ban Pháp luật tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 43 (tháng 3.2020) tới đây.
Quy định về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các trường hợp sau đây:
a) Đưa ra khỏi chương trình các dự án luật, pháp lệnh không cần thiết phải ban hành do có sự thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội hoặc điều chỉnh thời điểm trình trong trường hợp cần thiết;
b) Bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính mạng, tài sản của Nhân dân; các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi theo các văn bản mới được ban hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hoặc để thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.