Đạo đức kinh doanh và vai trò của cộng đồng

22/06/2007 15:59 GMT+7

Nước tương có chứa chất 3-MCPD vượt mức cho phép, taxi có đồng hồ tính cước bị đứt và không còn niêm chì... đang là những vấn đề gây xôn xao dư luận. Phải chăng vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bỏ qua “đạo đức kinh doanh”?

Tại hội thảo về “Đạo đức kinh doanh” do Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp với Tham tán thương mại Hoa Kỳ tổ chức tại TP.HCM ngày 20.6, ông Trần Sĩ Chương (Việt kiều Mỹ), một doanh nhân đang họat động ở Việt Nam nói: “Trước khi bàn về đạo đức kinh doanh, chúng ta cần phải hiểu bản chất của kinh doanh có trách nhiệm không chỉ tạo ra lợi nhuận cho công ty, DN mình mà còn phải tạo ra giá trị cho cộng đồng. Vậy thì, các DN phải cùng lúc thực hiện nhiệm vụ vừa tăng lợi nhuận, vừa duy trì tăng trưởng dài hạn và có trách nhiệm xã hội”.

TS Phạm Đình Phương - Trưởng Khoa thương mại trường Đại học Văn Lang phân tích thêm: “Song song với vụ nước tương là các vụ về trái sầu riêng có bôi chất độc hại, đồng hồ tính cước taxi bị phá niêm chì... chúng ta càng thấy luật pháp của Việt Nam thực sự chưa đủ mạnh tay để có thể chế tài được các vi phạm của các DN, do đó đạo đức kinh doanh là một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm. Cộng đồng phải có hình phạt thật thích đáng dành cho các DN thiếu trách nhiệm xã hội”.

Ý kiến của ông Phương làm mọi người liên tưởng tới vụ việc của hãng xăng dầu S. xảy ra cuối tháng 3.1995. Lúc ấy, S. định nhận chìm ngoài khơi biển Đông một trạm chứa dầu. Dù giới bảo vệ môi trường lên án nhưng S. vẫn tiếp tục thực hiện. Công luận phẫn nộ và mở chiến dịch không mua xăng dầu của S., trong suốt 2 năm sau đó, doanh số của S. giảm hơn 20%. Vai trò của cộng đồng được nhiều đại biểu nhấn mạnh là đặc biệt quan trọng trong việc buộc các DN phải luôn chú tâm đến vấn đề đạo đức kinh doanh của mình.

Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.