Dầu “cao su” vẫn... lơ lửng

14/07/2013 03:00 GMT+7

Hàng chục nông dân đang điêu đứng vì một cơ sở nhận ép dầu ăn từ đậu phụng nảy ra “tối kiến” cho thêm cao su vào, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý rốt ráo.

Dầu “cao su” vẫn... lơ lửng

Dầu ăn được ép từ đậu phụng và cao su có màu vàng sẫm, đóng cặn màu đen - Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Nguyễn Quang Long, Trưởng công an xã Điện Thọ (H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cho biết ông Trương Căn, chủ cơ sở ép dầu tại địa phương, đã thừa nhận trong quá trình chạy máy để ép đậu phụng, máy thường bị kẹt nên con trai ông là Trương Công Thạnh (28 tuổi) đưa ra “sáng kiến” dùng các miếng cao su (ruột lốp xe máy) dài khoảng 10 cm, rộng 2 cm cho vào máy. Hậu quả là các miếng cao su này bị “ép” luôn với đậu phụng, cho ra một thứ dầu có màu vàng sẫm. Thậm chí, có mẻ dầu ngả đen, đáy chai còn đóng một lớp cặn có chứa các hạt li ti. Theo phản ánh của nhiều người dân, khi họ đem dầu về nhà để chế biến thức ăn thì phát hiện có mùi khét như mùi cao su bị cháy cùng khói đen bốc lên.

 

Tác động xấu đến hệ tiêu hóa

Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết cao su có chứa những thành phần gây tác động xấu đến sức khỏe của con người, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Trong đó, biểu hiện đầu tiên có thể thấy là gây rối loạn hệ tiêu hóa. “Rõ ràng người tiêu dùng không nên sử dụng loại dầu ăn này. Sau khi phát hiện sự việc, Sở đã cử cán bộ lấy mẫu để xét nghiệm”, ông Hai nói.

Công an xã ghi nhận bước đầu có hơn 30 nông dân bị ảnh hưởng bởi cách ép dầu lạ lùng của ông Căn. Số lượng dầu đã được ép lên đến 2.000 lít, ước thiệt hại gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều người dân thì số nông dân bị thiệt hại còn lớn hơn nhiều so con số 30 hộ vì hiện nhiều người vẫn chưa trình báo với chính quyền địa phương. Vì dầu ăn nhiễm cao su nên người dân không dám dùng và cũng không dám bán. Bà Phan Thị Năm (56 tuổi, trú tại thôn Tây) nói: “Nhà tôi làm được 3 sào đậu phụng, ép được 87 lít dầu. Tiền giống, tiền phân bón, tiền công chăm sóc vẫn còn nợ. Nhưng dầu nhiễm cao su không ai thèm lấy, không biết lấy đâu ra tiền để trả lại người ta”.

Tại cuộc họp hồi giữa tháng 6.2013 với 30 nông dân bị thiệt hại, ông Căn đã xin khắc phục hậu quả nhưng đến nay cũng chưa giải quyết. Trong khi đó, phía công an xã cho rằng: “Theo chỉ đạo của công an huyện thì đây là vụ việc không đủ điều kiện để xử lý hình sự, nên để cho các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì người dân có thể kiện ông Căn ra tòa”.

Trả lời Thanh Niên, một cán bộ Cơ quan CSĐT Công an H.Điện Bàn, phân tích: “Vụ việc xảy ra là do chủ cơ sở này không nắm kỹ thuật dẫn đến gây thiệt hại cho người dân. Lỗi là vô tình nhưng thiệt hại là có thật. Các dấu hiệu cho thấy không liên quan đến hình sự mà liên quan đến dân sự rất rõ. UBND xã cần tập hợp lại bao nhiêu người bị thiệt hại rồi yêu cầu tòa xử, buộc đền bù. Chứ không thể bắt người ta đi tù được”.

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, cho hay Sở đã có văn bản gửi UBND xã Điện Thọ đề nghị xử lý theo hai hướng. Trong đó, nếu xã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cuộc họp để ông Căn thỏa thuận đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại được thì sẽ tiến hành thu gom, tiêu hủy số dầu bẩn. Nếu không đạt được thỏa thuận, đề nghị UBND xã tạm dừng hoạt động của cơ sở vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, lấy mẫu dầu đi xét nghiệm, kiểm tra để có hướng xử lý tiếp.

Điều đáng lo ngại là dầu phụng tại Điện Thọ lâu nay rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Cứ đến mùa, nhiều tiểu thương các địa phương lân cận kéo vào thu mua hoặc đặt hàng trước để đến lấy. Do vậy nếu không nhanh chóng xử lý hàng ngàn lít dầu bẩn này rất dễ phát sinh những hậu quả xấu cho người tiêu dùng.

Hoàng Sơn

>> Phát hiện một cơ sở ép dầu ăn từ đậu phụng và... cao su

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.