Đầu tư cảng biển, sân bay có lãng phí?

13/06/2012 14:49 GMT+7

(TNO) Một số đại biểu quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng về lợi ích của việc xây dựng sân bay mới, cảng biển mới, có bao nhiêu sân bay, cảng biển hiện tại không khai thác hiệu quả?

>> DN xuất khẩu gặp khó vì giá cước tàu biển tăng vùn vụt
>> Dừng thi công cảng Vân Phong
>> Khổ vì dự án cảng biển
>> Kiến nghị về quy hoạch cảng biển
>> Quy hoạch sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế
>> Xây dựng cảng hàng không Tuy Hòa mới
>> Khởi công nhà ga T2 sân bay Nội Bài

Trong văn bản chất vấn gửi tới Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) phản ánh cử tri kiến nghị cần xem xét thận trọng và đánh giá toàn diện các tác động về xã hội, về môi trường, về hiệu quả kinh tế của từng dự án như xây dựng thêm sân bay mới, xây dựng cảng biển nhằm hạn chế rủi ro và gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Ông Lộc đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá lợi ích về việc xây dựng sân bay, cảng biển mới và thông tin rõ có bao nhiêu sân bay, cảng biển hiện tại không khai thác hiệu quả?

Cùng mối quan tâm, ĐB Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP.HCM) cũng chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng: Tại sao không đầu tư mở rộng và khai thác các sân bay hiện hữu như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Phú Quốc, Cam Ranh và Liên Khương. Các sân bay này chưa khai thác hết công suất, tại sao lại đi xây dựng sân bay Long Thành?

Trong văn bản trả lời ĐB Lộc, Bộ trưởng dẫn các thông tin về quy hoạch xây dựng sân bay, cảng biển và cho biết: Những năm qua ngân sách nhà nước được đầu tư rất tập trung vào cơ sở hạ tầng cảng biển dùng chung (luồng tàu, đê chắn sóng) tại các khu vực trọng yếu của nền kinh tế và xây dựng một số bến cảng mang tính chất thu hút tại những khu vực có nhu cầu xây dựng cảng nhưng chưa đủ hấp dẫn để thực hiện xã hội hóa.

Tư lệnh ngành Giao thông vận tải cũng khẳng định cảng biển và các khu bến này đều thực hiện tốt vai trò, đã đạt và vượt hoặc đạt được đến 80% công suất thiết kế. Với sản lượng hàng hóa thông qua hiện tại, hầu hết các cảng khu vực miền Trung, miền tây Nam bộ đã phát huy hiệu quả đầu tư, kinh doanh có lãi và thực hiện rất tốt vai trò trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển quốc gia.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cảng biển giai đoạn vừa qua và trong thời gian tới được đánh giá là tập trung, đúng chủ trương, quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Theo thông tin Bộ trưởng cung cấp, trong số 39 cảng biển theo quy hoạch, có 30 cảng đang hoạt động (gồm 166 bến cảng, 350 cầu cảng...), năng lực thông qua khoảng 350 - 370 triệu tấn/năm, sản lượng năm 2011 là 291 triệu tấn. Ba cảng hàng không quốc tế đang hoạt động có lãi.

Về hiệu quả khai thác sân bay, Bộ trưởng cho biết Việt Nam hiện có 20 cảng hàng không đang hoạt động hàng không dân dụng. Về hiệu quả, giai đoạn từ 2000 - 2011, sản lượng khai thác tại các cảng hàng không đạt mức tăng trưởng bình quân 15,8%/năm về hành khách, 16,2%/ năm về hàng hóa. Riêng năm 2011, tổng thị trường vận chuyển đạt trên 23,74 triệu khách và 475.000 tấn hàng hóa.

Trong đó, các cảng hàng không địa phương đã có sự tăng trưởng mạnh về hành khách (trung bình trên 30%/năm) và thực sự các cảng hàng không này đã đóng góp không nhỏ vào việc thu hút đầu tư, giải quyết nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, thúc đẩy sự phát triển chung về kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hiện các cảng hàng không quốc tế như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất đang hoạt động có lãi, các cảng hàng không như Cam Ranh, Phú Bài, Cát Bi bước đầu có thể cân đối được thu - chi, các cảng hàng không còn lại có nguồn thu chưa đủ bù chi.

Đánh giá một cách tổng thể thì mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang hoạt động tương đối hiệu quả, các doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang hoạt động có lãi, tài chính lành mạnh và hằng năm vẫn đóng góp hàng trăm tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.

Phản hồi chất vấn của ĐB Huỳnh Minh Thiện lý do vì sao không mở rộng các sân bay hiện có mà xây dựng mới thêm sân bay Long Thành ở Đồng Nai, Bộ trưởng cung cấp thông tin về đặc điểm các sân bay hiện tại mà ĐB đề cập cũng như đưa ra nhận định về những rủi ro có thể xảy ra nếu nâng cấp các sân bay hiện có này.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc đầu tư mở rộng, phát triển cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa để đáp ứng mục tiêu quy hoạch cho 100 triệu hành khách thì còn tốn kém hơn nhiều so với việc đầu tư tại Long Thành, chưa kể đến các hạn chế khác đã được nêu (trong văn bản trả lời chất vấn).

“Kết quả nghiên cứu quy hoạch cho thấy, việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp, cần thiết và hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của ngành hàng không dân dụng nói riêng và cho cả nước nói chung”, Bộ trưởng Giao thông vận tải khẳng định.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.