Đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án lớn thua lỗ

29/12/2016 06:36 GMT+7

Ngày 28.12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 11.

Phiên họp thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng mà Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), Ban Nội chính T.Ư đang theo dõi, đôn đốc; báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương; báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan và dự thảo Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, biểu dương Ban Nội chính T.Ư - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, đề xuất, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và lưu ý một số nội dung hoạt động trong năm 2016. Theo Tổng bí thư, cùng với sự nỗ lực, cố gắng lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng khác, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và xử lý các vụ việc nổi cộm có những chuyển biến rõ rệt; nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý, như: vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Lê Dũng; vụ án Phạm Ngọc Ngoạn; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại). Trong năm qua, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 8 vụ/121 bị cáo; xét xử phúc thẩm 6 vụ/55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc đã truy tố, xét xử sơ thẩm 3 vụ/10 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ/3 bị cáo.
Ban Chỉ đạo đã thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn công tác đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Ban Chỉ đạo thống nhất 7 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm, với 12 nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng. Tổng bí thư yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tập trung lực lượng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trước hết là vụ Hà Văn Thắm, giai đoạn 2 của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo… và các vụ án liên quan đến Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý các dự án đầu tư lớn thua lỗ, kéo dài, không hoạt động được.
Phần lớn nhờ vào tố cáo, báo chí
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư cũng chỉ rõ hoạt động của Ban Chỉ đạo còn một số hạn chế: một số thành viên Ban Chỉ đạo dành thời gian chưa nhiều cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, nhất là trong kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng ở địa bàn được phân công theo dõi, chỉ đạo. Việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn kéo dài, số vụ còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu, mong đợi của nhân dân.
“Một số vụ án tham nhũng - kinh tế chuyển hóa lẫn nhau, khó tách bạch, nhất là khi làm kinh tế với động cơ vụ lợi, lợi ích nhóm. Do vậy, phải căn cứ vào bản chất sự việc để kết luận. Không tham ô, tham nhũng thì tiền đâu mà lắm thế, xây nhà, chạy ra nước ngoài như thế?”, Tổng bí thư nói.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư chỉ rõ nhiều hạn chế khác như: khâu điều tra giám định vẫn còn chậm; việc thu hồi tài sản mặc dù có tiến bộ nhưng còn ít. Phát hiện tham nhũng, tiêu cực từ nội bộ còn ít, phần nhiều là do tố cáo, công luận, báo chí; T.Ư làm mạnh nhưng cơ sở, địa phương làm ít, chuyển động chưa rõ; khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài phát hiện còn ít...
Sau 3 năm, trong tổng số 40 vụ án và 7 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có nhiều vụ xảy ra từ nhiều năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo), đến nay đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 vụ/330 bị can; đã truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ/247 bị cáo, xét xử phúc thẩm 14 vụ/137 bị cáo, với mức án nghiêm khắc (7 bị cáo với 8 mức án tử hình, 14 bị cáo với 15 mức án tù chung thân, 6 bị cáo có mức án tù 30 năm, 203 bị cáo có mức án tù từ 15 tháng đến dưới 30 năm); trong số 29 vụ án thuộc diện Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 vụ/93 bị can, đã truy tố xét xử sơ thẩm 18 vụ/68 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ/24 bị cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.