Để doanh nghiệp VN thắng trên sân nhà...

01/11/2009 12:23 GMT+7

(TNO) Sáng nay (1.11), bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đã có buổi đối thoại trực tiếp xoay quanh vấn đề "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" trong chương trình "Nói và làm" của Đài truyền hình TP.HCM (HTV). >> “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nét đẹp văn hóa tiêu dùng/ Tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Danh sách khách mời:

- Bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TP.HCM
- Bà Dương Thị Ngọc Dung - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè
- Tiến sĩ Trần Công Hoàng Quốc Trang - Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội nhựa TP.HCM
- Ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Giấy Sài Gòn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM
- Bà Vũ Kim Hạnh - Gíam đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp VN PSA
- Ông Lý Ngọc Minh - Gíam đốc công ty TNHH Gốm sứ cao cấp Minh Long
- Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Thương mại Saigon Coop
- Ông Bùi Duy Đức - Tổng Gíam đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan
- Tiến Sĩ Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM
- Nhà báo Dương Thanh Tùng

Cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" được Bộ Chính trị phát động với mục đích nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người VN và sản xuất ra nhiều hàng VN có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại buổi nói chuyện, bà Phạm Phương Thảo nhận định, cuộc vận động "Người VN ưu tiên sử dụng hàng VN" không chỉ là cơ hội dành riêng cho nhà sản xuất mà còn là cơ hội của người tiêu dùng (NTD) đến với hàng VN. Bà Thảo đã đặt ra câu hỏi lớn cho những nhà sản xuất và nhà phân phối là: "Làm thế nào để các DN sản xuất VN thắng thế ngay trên chính sân nhà của mình và tạo ra tâm lý cũng như thói quen sử dụng hàng VN ngay trong chính người VN?"

Chất lượng là hàng đầu

Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định, nhà phân phối chính là cầu nối giữa nhà sản xuất và những NTD, đặc biệt là hệ thống siêu thị trên toàn thành phố. Chính vì thế, cần tạo nên một sự liên kết chặc chẽ giữ nhà sản xuất, nhà phân phối và NTD.

Hiện nay, TP.HCM có 85 siêu thị, 238 chợ, một câu hỏi được đặt ra là cần xác nhận những tiêu chí để sản phẩm VN "bước chân" vào siêu thị và số lượng sản phẩm, độ phong phú của sản phẩm để NTD chọn lựa hàng VN là lớn hay nhỏ?

Đóng góp ý kiến trong buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Thương mại Saigon Coop, cho biết, để phát triển thương hiệu đồng thời phục vụ NTD, hệ thống siêu thị của Saigon Coop thường xuyên có những cuộc khảo sát để đo lường những nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ, kết nối những yếu tố đó để định hình nhu cầu của NTD.

Vì vậy, theo ông Hòa, việc lựa chọn các sản phẩm tham gia hệ thống phân phối của Saigon Coop đặt lên hàng đầu tiêu chí: đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn. Bên cạnh đó, ưu tiên DN đạt các tiêu chuẩn ISO, HACCP, hàng VN chất lượng cao. Sau đó, mới chú trọng đến yếu tố nhà sản xuất có những chiến lược marketing, phát triển thương hiệu mang tính chiến lược. Thời gian gần đây, Saigon Coop còn hỗ trợ mở rộng hệ thống hàng hóa từ các DN mới, các DN khởi nghiệp hàng Việt, với những chính sách ưu tiên và hỗ trợ tích cực để DN có điều kiện tiếp cận NTD.

Hiện nay, thị trường tiêu dùng của VN chia thành hai phân khúc chính là thị trường dành cho NTD có thu nhập cao với những hàng hiệu cao cấp và một phân khúc khác dành cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Ông Lý Ngọc Minh, Gíam đốc công ty TNHH Gốm sứ cao cấp Minh Long, cho biết, Công ty Minh Long trước đây xuất khẩu đến 89% số lượng sản phẩm. Nhưng đến năm 1997, công ty đã quyết định quay trở lại thị trường trong nước khi nhận ra đây là một thị trường vô cùng tiềm năng. "Người tiêu dùng Việt là những người sẵn sàng chi ra một số tiền lớn cho một món hàng hiệu, chất lượng cao", ông Minh đánh giá.

Là một trong những DNVN uy tín và được NTD biết đến rộng rãi, trong phương hướng phát triển của mình, Công ty Minh Long khẳng định, giá trị sản phẩm dựa trên giá trị tiêu dùng. DN mong muốn phục vụ thị trường trong nước bằng cách sản xuất những sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu NTD trong nước, đồng hành thúc đẩy cho các chương trình NTD dùng hàng VN.

Nghệ sĩ Quyền Linh, dưới góc nhìn của NTD cho biết: "Tâm lý của một số nhà sản xuất VN thường là hàng tốt để xuất khẩu, còn hàng lỗi một tí thì bán trong nước. Đây là một tâm lý hoàn toàn sai lầm của nhà sản xuất. Vì NTD trong nước cần được ưu tiên sử dụng hàng chất lượng tốt nhất do DN trong nước sản xuất".

Bà Tôn Nữ Thị Ninh có ý kiến: "Cùng mặt hàng mà hàng VN còn kém chất lượng và giá cao thì khó mà trách NTD không mặn mà với hàng Việt".

"Chất lượng hàng hóa là ưu tiên hàng đầu mà các nhà sản xuất phải đặt ra để chú trọng trong định hướng phát triển của mình. Vì đây là yếu tố cốt yếu để kéo người tiêu dùng trong nước về với hàng Việt Nam", bà Phạm Phương Thảo cho biết.

 
NTD chọn sản phẩm Việt Nam trong siêu thị - Ảnh: Thanh Hải

Theo bà Phạm Phương Thảo, chủ trương của thành phố là khuyến khích các mặt hàng VN phải đảm bảo chất lượng hàng hóa của mình để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của NTD. Nhà sản xuất cần phải chú trọng cả chất lượng và mẫu mã hàng hóa phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình trong nước. Vì đây là một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng và theo khảo sát thị trường, tâm lý của NTD VN, đa phần là "tâm lý dùng hàng hiệu".

Mở rộng truyền thông và xây dựng thương hiệu

Để đưa hàng VN tiếp cận sâu hơn với người Việt, một vấn đề các DN đặt ra là khó cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế trong việc quảng cáo, quảng bá sản phẩm. Nhà sản xuất VN chịu thiệt thòi hơn DN nước ngoài về chi phí truyền thông quảng cáo. Khi mà các DN nước ngoài có một phần chi phí rất lớn cho makerting, quảng cáo sản phẩm thì DN trong nước còn yếu trong khoản chi này và còn nhiều cơ chế ràng buộc.

Bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè cho biết, thực tế hiện nay, một số DN trong nước phải phát triển thương hiệu ở nước ngoài rồi mới quay trở về VN, như vậy mới có thể tiếp cận NTD cao cấp, thâm nhập vào các trung tâm thương mại lớn ở VN. Vì vậy, DN rất cần những chương trình thương hiệu quốc gia để từ đó, các thương hiệu trong nước dễ dàng có cơ hội được biết đến và phát triển hơn.

Ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Giấy Sài Gòn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM đóng góp, từ rất lâu, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã có những chương trình "đánh" vào tâm lý dùng hàng nội cho người NTD của nước mình. Khi NTD ý thức việc sử dụng sản phẩm trong nước sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, tăng cơ hội việc làm, tăng thu ngân sách... thì sẽ sẵn sàng ủng hộ hàng tiêu dùng trong nước.

Chính vì vậy, xây dựng thương hiệu là mục tiêu quan trọng mà các DN cần đẩy mạnh. Mỗi DN cần có sản phẩm đặc trưng gắn với tên tuổi của mình, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đó. Trên tầm vĩ mô, nền sản xuất VN cần xây dựng tên tuổi của mình gắn liền với sản phẩm hàng hóa đặc trưng (như: may mặc, da giầy, lương thực thực phẩm...). Có như vậy, khi nói đến sản phẩm nào trong tâm lý người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu của DN VN đó.

 
Xây dựng thương hiệu là vấn đề quan trọng để NTD nhớ tên hàng VN - Ảnh: Nghĩa Phạm

Bà Phạm Phương Thảo khẳng định, để đưa hàng VN đến người VN, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của nhà nước thì các cơ quan truyền thông và Hội Bảo vệ NTD là hai yếu tố góp phần rất lớn trong việc kéo NTD VN đến với hàng Việt.

Bà Dương Thị Ngọc Dung - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè mong muốn nhà nước có những chính sách đồng bộ tạo môi trường kinh doanh "sạch" trên thị trường. Không chỉ có những chính sách quảng bá DN VN mà việc triệt tiêu hàng nhái hàng giả, hàng nhập lậu cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, là sức bật, động lực cho DN xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo giá cả cạnh tranh cần có sự điều tiết và quy hoạch ngành nghề của thành phố, không để tình trạng "thiếu chỗ này, thừa chỗ kia" đối với việc phân phối các mặt hàng cũng như số lượng các mặt hàng trên thị trường, nhiều DN cho biết.

Thị trường nông thôn cũng là thị trường mà các DN sản xuất VN còn bỏ ngỏ, các nhà quản lý, DN nhà phân phối cần điều tiết để đưa hàng VN phục vụ “sâu” những khu vực này, bà Vũ Kim Hạnh, Gíam đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN VN PSA góp ý.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM  nhấn mạnh: “Cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" thành công tùy thuộc phần lớn vào công tác tuyên truyền. Vận động là để chuyển đổi tâm lý tiêu dùng của người VN. Nhà sản xuất cần quan tâm đầy đủ chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu để tạo niềm tin trong NTD về hàng VN. Bên cạnh đó, về phía nhà quản lý, thành phố sẽ rà soát lại các quy định, chính sách để hỗ trợ DN trong nước một cách hợp lý mà không vi phạm luật quốc tế; chống hàng gian hàng giả; quản lý, nâng cao chất lượng các giải thưởng tôn vinh DN”.

Nguyên Mi - Hiền Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.