Để khóm Cầu Đúc Hậu Giang thêm ngọt

08/03/2012 09:30 GMT+7

Cây khóm “tá túc” vùng đất Hậu Giang khoảng thập niên 40-50 của thế kỷ trước. Thấp bé, đầy gai, sống trên vùng phèn mặn nhưng hương vị lại rất ngọt ngào. 

Phất lên nhờ khóm

Từ lâu, khóm Cầu Đúc Hậu Giang đã vang danh khắp “Nam kỳ lục tỉnh”, nhờ chất lượng, hương vị hơn hẳn cây khóm trồng ở các vùng miền khác. Hiện diện tích khóm của tỉnh này lên đến hơn 1.700 ha, tập trung ở xã Hỏa Tiến, Tân Tiến thuộc TP.Vị Thanh và Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A của H.Long Mỹ.


Còn nhiều trăn trở về đầu ra cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang - Ảnh: Hoàng Nguyên 

Ở đây, người ta không quan tâm chuyện “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, mà chỉ biết trồng khóm để cất nhà, nuôi con ăn học. Cây khóm không những giúp người dân nơi đây no ấm mà hiện còn được xem là “cây giảm nghèo”. Ông Trương Văn Hiêu (ngụ ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh) trồng khóm gần 50 năm nay. Nhờ cây khóm, gia đình ông đã xây được nhà tường kiên cố, 4 người con đều đi làm việc và hiếu thảo với ông bà, hòa thuận với xóm giềng. “Lúc mấy đứa con đi học, tất cả chi phí trông hết vào khóm. Có lẽ vì vậy mà tụi nó tự nhủ lòng không thể nào quên ơn khóm ngọt”, ông Hiêu tâm sự.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường ba gian kiên cố, ông Phạm Sơn Hà (ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh), bộc bạch: “Cả gia đình tôi ai cũng yêu mến và biết ơn cây khóm. Nhờ có nó, tôi mới có được nhà cửa khang trang, 2 con học hành đến nơi đến chốn”. Theo ông Hà, ở đây nhà nào có được 20 công khóm, thì mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Tuy không có một lúc, nhưng khóm gần như cho trái quanh năm, nên bà con luôn có đồng ra, đồng vô ổn định. Người trồng khóm vùng này không mau giàu, nhưng chẳng đến nỗi khó khăn. Có hộ chỉ được 5-7 công, nhưng nhiều hộ có tới 50-60 công khóm. Cũng có lúc giá quá thấp, người ta phải phá nó đi, rồi vài năm sau cũng trồng khóm lại, sống chết với cây khóm. 

Loay hoay tìm đầu ra

Năm 2006, khóm Cầu Đúc (tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến) được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”. Tuy đã có nhãn hiệu, nhưng do chỉ được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống thương lái, bạn hàng chứ chưa có doanh nghiệp đứng ra thu mua ổn định, nên trái khóm Hậu Giang dần mất thế cạnh tranh trên thương trường, diện tích khóm Cầu Đúc dần thu hẹp theo thời gian.  “Những năm 80 của thế kỷ 20, nhà tường mọc lên san sát dọc bên bờ sông Cái Lớn chính nhờ khóm được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô (cũ). Khi đó, diện tích khóm trên địa bàn Vị Thanh có lúc lên đến 3.600 ha, nhưng bây giờ thời vàng son của cây khóm không còn nữa”, Chủ tịch UBND TP.Vị Thanh Lâm Quang Tâm tiếc nuối.

Điều mà người trồng khóm của tỉnh mong mỏi là làm sao xây dựng nhà máy chế biến khóm ngay trên địa bàn để giải quyết đầu ra, ổn định giá cả, thế mà mà hàng chục năm qua chưa giải quyết đến nơi đến chốn. Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ cử doanh nghiệp đến khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân vùng khóm nguyên liệu của tỉnh. Nếu đáp ứng tốt được yêu cầu và có sự đồng thuận cao của người dân thì rất có khả năng nhà đầu tư sẽ tiến hành xây dựng nhà máy chế biến ngay trên địa bàn TP.Vị Thanh để giải quyết đầu ra cho người trồng khóm.

Khóm là một trong 4 cây chủ lực của tỉnh và được đặc biệt quan tâm phát triển. Ông Phạm Hoài An, Phó giám đốc Sở NN-PTNT  Hậu Giang, nói: “Định hướng của tỉnh là phát triển vùng khóm có diện tích 3.000 ha, cho năng suất và chất lượng cạnh tranh. Việc sản xuất khóm theo hướng sạch, an toàn dù có nhiều khó khăn, nhưng đây là hướng đi tích cực, vì vậy không thể không đeo đuổi và xây dựng thành công”.

Thực tế cho thấy nếu như vẫn tiếp tục theo hình thức cải tạo đất, lai tạo giống mà quên đi việc làm thế nào để có thị trường đầu ra bền vững như những năm qua thì người dân khó lòng mà gắn bó với cây khóm Cầu Đúc Hậu Giang.

Hoàng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.