Đề nghị truy tố vụ buôn lậu 147 container lốp ô tô

18/03/2017 07:18 GMT+7

Huy sử dụng pháp nhân của 4 công ty để buôn lậu 147 container lốp ô tô đã qua sử dụng theo hình thức tạm nhập tái xuất.

Hôm qua (17.3), Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố Thái Huy (36 tuổi, ngụ tỉnh Hòa Bình, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH DNF Global), Phạm Đăng Khoa (31 tuổi, ngụ Khánh Hòa, nhân viên chứng từ công ty) tội buôn lậu lốp ô tô đã qua sử dụng xảy ra tại cảng Sài Gòn khu vực 1 và khu vực 4 và cảng Đà Nẵng.
Theo kết luận điều tra, Huy sử dụng pháp nhân của 4 công ty gồm: TNHH Tấn Đạt, TNHH TM công nghệ xây dựng Lê Gia, TNHH DNF Global (viết tắt là Công ty Global), TNHH TM DV Việt để buôn lậu 147 container lốp ô tô đã qua sử dụng theo hình thức tạm nhập tái xuất. Cụ thể, Công ty Tấn Đạt hoạt động thua lỗ nên năm 2011 xin ngưng kinh doanh. Huy quen ông Lê Tất Chinh (Giám đốc Công ty Tấn Đạt) nên đặt vấn đề mượn pháp nhân của công ty này để tạm nhập lốp ô tô cũ, tái xuất sang Campuchia. Theo đó, ông Chinh ký các giấy tờ liên quan đến việc tạm nhập tái xuất, mọi việc đều do Huy thực hiện, ông Chinh được hưởng lợi 1 triệu đồng/container.
Theo sự hướng dẫn của Nguyễn Đức Cường (nhân viên của Huy), ông Chinh đại diện Công ty Tấn Đạt ký công văn xin tạm nhập tái xuất kèm theo hợp đồng mua lốp ô tô cũ với Công ty Global tại Mỹ do Huy đại diện, hợp đồng bán lốp ô tô cũ trên cho Công ty HMN Investments Group tại Campuchia gửi Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương. Ngày 14.11.2013, Bộ Công thương cấp giấy phép tạm nhập tái xuất cho phép Công ty Tấn Đạt được kinh doanh tạm nhập tái xuất 5.000 chiếc lốp ô tô đã qua sử dụng. Sau khi có giấy phép, Huy tạm nhập 9 container lốp đã qua sử dụng tại cảng Cát Lái.
Cán bộ hải quan có tiếp tay ?
Ngày 12.3.2014, 9 container trên được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1 phân luồng đỏ. Trên tờ khai hải quan ghi rõ 9 container trị giá 7.875 USD, đăng ký tái xuất tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Bình Phước. Ông Phạm Tiến Trình và bà Thân Thị Điệp là công chức hải quan được phân công kiểm hóa, sau khi kiểm tra hàng hóa, lập biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu để giao 9 container cho Công ty Tấn Đạt đại diện vận chuyển đến cửa khẩu tái xuất. Ông Trình cho rằng đã fax biên bản bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hoa Lư - Bình Phước nhưng không kiểm tra xem chi cục này có nhận được không. Điều đáng nói, chi cục không hề nhận được bản fax này.
Với thủ đoạn tương tự, Huy đã buôn lậu 147 container lốp ô tô đã qua sử dụng tại cảng Đà Nẵng và cảng Sài Gòn KV1 và KV4. Sau khi 147 container lốp ô tô đã qua sử dụng được thông quan, Huy không thực hiện tái xuất theo quy định mà thuê công ty vận chuyện số hàng này ra khỏi cảng Cát Lái bán cho công ty khác trong nước tại Tiền Giang, Đồng Nai thu lợi cho mình gần 9 tỉ đồng. Thời điểm Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, vẫn còn 39 container đang tồn tại cảng Sài Gòn KV1 và KV4, cảng Đà Nẵng trị giá gần 3 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, lốp ô tô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, xuất khẩu nhưng Huy và đồng phạm vẫn xin giấy phép tạm nhập tái xuất lốp ô tô đã qua sử dụng nhưng không tái xuất mà bán để thu lời.
Theo kết luận điều tra: “Cán bộ hải quan đã có vi phạm trong việc theo dõi hàng hóa tạm nhập tái xuất. Mặc dù có thiếu sót trong việc thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự, có 4 cán bộ công chức hải quan sẽ bị xử lý hành chính”.
Bị can Nguyễn Đình Anh Nhật (26 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) và Nguyễn Thanh Tùng (27 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) cũng bị khởi tố về tội buôn lậu với vai trò giúp sức cho Huy, nhưng 2 người này đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với 2 bị can này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.