Đề xuất cho UBND cấp xã ký thỏa thuận quốc tế

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/06/2020 11:38 GMT+7

Đề xuất mở rộng quy định việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã, huyện khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Sáng 17.6, Quốc hội thảo luận về luật Thỏa thuận quốc tế thay thế cho Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế có từ năm 2007.

UBND xã, huyện được ký, thực hiện thỏa thuận quốc tế?

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là đề xuất mở rộng, giao quyền ký và thực hiện các thỏa thuận quốc tế cho UBND cấp xã, huyện.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn vì lo lắng không biết năng lực và sự am hiểu trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế đối với cấp UBND cấp huyện, nhất là cấp xã như thế nào, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm.
"Mặc dù dự thảo luật có quy định trình tự, thủ tục trước khi ký phải xin ý kiến cơ quan đối ngoại cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc ký thỏa thuận chỉ là một phần của thỏa thuận. Vấn đề triển khai và quản lý thực thi thỏa thuận cũng rất quan trọng và phải có năng lực mới làm tốt được công tác triển khai này. Vì thế, tôi đề xuất ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định chủ thể này sao cho phù hợp”, đại biểu Xuân đề nghị, đồng thời cho rằng, việc mở rộng chủ thể ký thỏa thuận lại đang thiếu các đơn vị sự nghiệp công như cơ sở giáo dục, y tế, khoa học.
“Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao thì trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, các đơn vị sự nghiệp công lập đã ký và thực hiện nhiều thỏa thuận quốc tế rất hiệu quả mà theo dự báo có thể sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian sắp tới. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét và có quy định thêm các chủ thể này”, ông Xuân nói thêm.
Tương tự, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) cũng dẫn chứng báo cáo của Bộ Ngoại giao, cho biết trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh 2007, cấp huyện và cấp xã ký tổng cộng 16 thỏa thuận, chiếm 0,8% tổng số thỏa thuận đã ký trong giai đoạn 10 năm. “Nếu xét trên tổng số xã là 11.000 xã và tổng số huyện khoảng hơn 600 huyện thì tỷ lệ còn nhỏ hơn rất nhiều”, đại biểu Phong nhận định và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đề xuất này.
Cũng theo đại biểu An Giang, dự thảo luật còn thiếu một số chủ thể được ký thỏa thuận quốc tế như tổ chức khoa học công nghệ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các hiệp hội ngành nghề… “Tôi thống nhất với nhiều đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc để bảo đảm tính bao quát của quy định này”.

Thôn xóm hai bên biên giới kết nghĩa là sai

Trước đó, thảo luận tại tổ, thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, cũng cho biết, hiện nay có thực tế là các thôn biên giới 2 nước Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia tổ chức kết nghĩa nhưng theo quy định về thỏa thuận quốc tế thì lại sai cho nên cần thể chế hóa vào luật. Tuy nhiên, hiện nay ngay trong Thường vụ Quốc hội cũng chưa thống nhất.
“Vừa rồi, Thường vụ Quốc hội cũng cho chủ trương nước đôi. Bây giờ để cấp xã hay cấp huyện đứng ra ký cái này. Để xã ký thì liệu mỗi xã có làm mỗi kiểu rồi ảnh hưởng đến đối ngoại không. Có nên giao cho huyện ký rồi chỉ đạo xã. Thế nhưng cũng có quan điểm là bây giờ thực tế các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam -Campuchia đã làm chuyện này mà không cho cấp xã ký cũng bất hợp lý”, ông Việt nêu.
Theo dự thảo luật Thỏa thuận quốc tế mà Chính phủ trình, so với Pháp lệnh 2007, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật mở rộng thêm quy định về việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp huyện, xã; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, luật không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo bộ luật Dân sự; hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.