Đề xuất tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng giúp DN vượt qua dịch Covid-19

30/10/2020 12:13 GMT+7

TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chánh) đề xuất lập một tổ hợp tín dụng 300.000 tỉ đồng với sự tham gia của tất cả ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 .

Sáng 30.10, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính, kiều bào Mỹ) nhìn nhận Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) nhưng thực tế số DN tiếp cận được nguồn vốn khá ít, nhất là DN đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Hiện nhu cầu vốn lưu động của các DN vừa và nhỏ rất lớn để duy trì tính thanh khoản, trả lương NLĐ, thuê mặt bằng, văn phòng, trả nợ cho ngân hàng, trả thuế cho Chính phủ và nhiều chi phí thường xuyên khác. Dù nhu cầu vay của các DN lớn nhưng nhiều DN bị tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây ra nên không có khả năng vay tiền của ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, TS Hiếu cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng thành lập một tổ hợp tín dụng, tất cả ngân hàng phải tham gia vào tổ hợp này với mức tương đương 3 - 3,5% tổng dư nợ của mỗi ngân hàng, ngân hàng lớn có tỷ trọng tham gia nhiều hơn ngân hàng nhỏ.

Các đại biểu tham dự hội nghị gặp gỡ kiều bào trao đổi trong giờ giải lao

Ảnh: Nguyên Vũ

Với mức tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay khoảng 8,7 triệu tỉ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3 - 3,5% thì hệ thống ngân hàng sẽ có tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỉ đồng, tương tự gói 300.000 tỉ đồng mà các ngân hàng đã triển khai trước đó. Ở tổ hợp tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra làm đầu mối thiết lập và có một ngân hàng thương mại đứng ra quản lý, tổ hợp cũng có một hội đồng tín dụng xét duyệt hồ sơ vay của các DN.
TS Hiếu đề xuất thời hạn cho vay trong 5 năm (2 năm đầu vay tuần hoàn và 3 năm sau trả dần trên dư nợ vay vào cuối năm thứ 2), DN được vay tín chấp, lãi suất từ 3 - 5%/năm. Để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, Chính phủ lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia khoảng 30.000 tỉ đồng (tương đương 10% tổ hợp tín dụng).
Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để thẩm định khả năng trả nợ của DN vay vốn, giúp các DN còn đủ sức tồn tại, có thể phục hồi sau dịch bệnh và có thể đóng góp được cho đất nước sau dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.