Diễn đàn Kinh tế Mùa thu ‘nóng’ với tỷ lệ thất nghiệp 1,84%

29/09/2014 03:00 GMT+7

Hôm qua, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) tổ chức, vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả là lao động, việc làm, con số tỷ lệ thất nghiệp nào là đúng…

Diễn đàn Kinh tế Mùa thu ‘nóng’ với tỷ lệ thất nghiệp 1,84%
Tỷ lệ thất nghiệp 1,84% gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, nhiều khả năng chỉ tiêu tạo 1,6 triệu việc làm năm 2014 không đạt. Suốt 2 năm nay, chỉ tiêu trên cũng đều không đạt. “Hiện nay, tổng cung lao động tăng nhanh, nhưng cầu vẫn duy trì cần khoảng 800.000 việc làm”, bà Hương nói. Về tỷ lệ thất nghiệp 1,8% do Bộ LĐ-TB-XH công bố gây “phản ứng dữ dội” từ dư luận rằng số liệu không đáng tin cậy, theo bà Hương: “Bộ trưởng của chúng tôi đã giải thích nên tôi không giải thích thêm nhưng theo tôi đây là con số đáng tin cậy và dựa trên cách tính chuẩn, số liệu chuẩn”.

Nhưng Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi không đồng tình. Trái lại, ông cho rằng số liệu về chỉ tiêu tạo việc làm hoàn toàn là ảo. “Ví dụ như con số trên 73.800 lao động đi làm việc nước ngoài, bao nhiêu trong số đó về trước hạn không ai nắm được. Theo tôi, ít nhất phải là 20% về trước hạn, mà những người này sẽ nghèo hơn do mất tiền đặt cọc, mất các chi phí để được đi lao động”, ông Lợi nói. Cũng theo ông Lợi, nhiều số liệu giải quyết việc làm “không có căn cứ và không thể dùng chỉ tiêu số liệu việc làm để làm số liệu cho pháp lệnh được”. “Nếu tính con số tỷ lệ thất nghiệp là 1,84% thì còn nguy hiểm hơn”, ông Lợi nhấn mạnh. “Thực chất đây cũng không phải con số của Bộ LĐ-TB-XH mà là con số của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhưng vấn đề là nó không đúng thực tiễn lao động VN”, ông Lợi nhận xét và tiết lộ: “Đại diện ILO cũng thừa nhận với tôi là cách tính ở quốc tế cũng không phù hợp với thực tế VN”.

Trao đổi với Thanh Niên bên lề diễn đàn, một chuyên gia kinh tế của Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho rằng số liệu về thất nghiệp, việc làm mà Tổng cục Thống kê điều tra là tính theo thông lệ quốc tế. “Vấn đề là hiện nay, chất lượng việc làm ở VN không cao và tuy có phương tiện để đánh giá chất lượng việc làm thì VN lại không có cơ quan nào đánh giá”, ông này nói.

Còn thiếu một số đề án tái cơ cấu quan trọng

Cũng tại phiên họp sáng hôm qua của Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, nhiều đại biểu, chuyên gia kinh tế tiếp tục nêu ý kiến về các vấn đề: tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế, xử lý nợ xấu... Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay còn thiếu một số đề án quan trọng như TCC thu, chi ngân sách, TCC thị trường bất động sản. “Nhưng vấn đề là các đề án TCC hiện nay đều không có một chương trình hành động rõ ràng, không nói đến năm nào đạt được cái gì thì khó đạt kết quả vì không có thước đo, tiêu chí để đánh giá”, ông Lê Đăng Doanh nói. Đáp lại một số ý kiến cho rằng để giải quyết những vấn đề: nợ xấu, sự trì trệ của khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần phải có thời gian, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, cho rằng “các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý... hãy sốt ruột với thời gian”. Ông nói: “Nếu không sốt ruột là chúng ta còn không dám đối diện với những vấn đề tồn tại của nền kinh tế, dung túng cho một cách tiếp cận tiêu cực, dồn những vấn đề yếu kém cho những người sau, năm sau, nhiệm kỳ sau... và để nền kinh tế tiếp tục trì trệ”. “Chúng ta không thể để lùi những vấn đề phải giải quyết vì có giải quyết xong, mới tăng được đầu tư, mới có phát triển, nếu không lại đi vào ngõ cụt”, ông nhấn mạnh.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.