Đình chỉ dự án “phá 575 ha rừng để... chăn nuôi”

Chiều 10.8, Sở NN-PTNT Bình Phước đã công bố quyết định tạm đình chỉ việc khai thác rừng ở khoảnh 1, tiểu khu 69 (Nông lâm trường Bù Đốp, Bình Phước) cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Quyết định do ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước ký đã được ông Vũ Thanh Trúc, Phó chi cục Kiểm lâm Bình Phước tống đạt đến tận hiện trường khai thác rừng có sự chứng kiến của đại diện Nông lâm trường Bù Đốp và Công ty cao su Sông Bé. Theo đó, Sở NN-PTNT yêu cầu Công ty cao su Sông Bé giữ nguyên hiện trạng chờ kết quả xử lý của cơ quan chức năng; Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tại khoảnh 1, 2, 3 không để xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; Báo cáo tình hình thực hiện dự án tại khoảnh 1 cho Sở NN-PTNT trước ngày 12.8.
Trước đó, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh vụ phá 575 ha rừng để... chăn nuôi tại Bình Phước, ngày 9.8, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT và Kiểm lâm Bình Phước yêu cầu dừng khai thác rừng ở khoảnh 1 (tiểu khu 69) để điều tra làm rõ.
Đã cấm thì có được phê duyệt, cấp phép cũng phải dừng lại
Dù đó là rừng tự nhiên nghèo cũng không nên cho phép chuyển đổi thành rừng sản xuất, chăn nuôi hay sử dụng vào bất cứ mục đích nào khác. Nếu cho đó là rừng nghèo thì phải có kế hoạch đầu tư, nuôi dưỡng nó sẽ nhanh phục hồi trở thành rừng giàu tài nguyên
Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT)
Trả lời Thanh Niên, GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN), cho rằng ngay cả những dự án chuyển đổi rừng tự nhiên trước đây được cấp phép phê duyệt cũng phải dừng lại, không được phép triển khai. Theo ông, từ trước đến nay rất nhiều nhà khoa học không đồng tình với quan điểm chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng trồng khai thác về lợi ích kinh tế. Bởi điều này sẽ phá vỡ tính đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học của các loài động thực vật hoang dã trong tự nhiên vốn đang suy giảm nghiêm trọng ở VN. Ở những khu rừng nghèo, dù thảm thực vật có tầng thấp thì vẫn có ý nghĩa rất lớn đa dạng sinh học và bảo tồn sinh học vốn có của loại rừng tự nhiên. Nếu chuyển đổi sang thành loại rừng trồng sản xuất, theo chu kỳ khoảng 7 - 10 năm, cây gỗ bị khai thác đốn hạ. Khi đó, đất trơ trọi trong thời gian dài, loại rừng trồng đơn thuần này không có ý nghĩa, chức năng đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học như loại rừng tự nhiên.
Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh: “Dù đó là rừng tự nhiên nghèo cũng không nên cho phép chuyển đổi thành rừng sản xuất, chăn nuôi hay sử dụng vào bất cứ mục đích nào khác. Nếu cho đó là rừng nghèo thì phải có kế hoạch đầu tư, nuôi dưỡng nó sẽ nhanh phục hồi trở thành rừng giàu tài nguyên”.
“Cần xử một vài vụ để làm gương”
TS Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nói: “Chúng tôi giật mình vì những kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam về khu vực này là rất đáng lưu tâm. Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học của Viện Sinh thái học miền Nam trong năm 2013 tại Bình Phước cho thấy khu rừng Nông lâm trường Bù Đốp là nơi giàu có về đa dạng sinh học và tài nguyên tự nhiên đứng thứ 2 trong tỉnh, chỉ sau Vườn quốc gia Bù Gia Mập”.
Nhắc lại báo cáo tháng 12.2013 tại tỉnh Bình Phước, TS Long nhấn mạnh việc chuyển đổi một phần diện tích rừng nghèo kiệt theo quan điểm lâm nghiệp sang trồng cao su đã làm suy giảm đáng kể diện tích rừng tự nhiên của tỉnh và kèm theo đó là mất mát một số lượng lớn các loài động, thực vật, trong đó có thể có nhiều loài mà khoa học vẫn chưa biết đến. Từ năm 2008 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã diễn ra ào ạt việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất, và ngay cả trong rừng phòng hộ biên giới. “Tôi nghĩ với những kết quả nghiên cứu khoa học của chúng ta, với những giá trị về tài nguyên tự nhiên quý giá của khu rừng Bù Đốp, thì việc cho phép bất kỳ ai, công ty nào hay tổ chức nào chuyển đổi 575 ha rừng tại tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp sang thực hiện dự án chăn nuôi là một sai lầm nghiêm trọng và không thể cho phép dù trong dự án này người ta có đưa ra khái niệm “kết hợp trồng rừng”. Chúng ta cứ nói thẳng ra là người ta ngụy biện và chơi chữ mà thôi. Chủ dự án đã đưa vấn đề “kết hợp trồng rừng” để làm cho đề án này đẹp để đánh lừa những người thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm”, TS Long nói thẳng.
TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, cho rằng từ tháng 6.2016, Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, thì tất cả các dự án đã và đang thực hiện mục đích chuyển đổi đều phải dừng lại. Việc tiếp tục cho phá rừng ở Bù Đốp để chuyển đổi sản xuất là vi phạm lệnh của Thủ tướng.“Các dự án kiểu này đều liên quan đến chính quyền cấp tỉnh. Do vậy, cần xử một vài vụ để làm gương. Xã hội ta sở dĩ trên bảo dưới không nghe, vì kỷ cương không nghiêm, tồn tại nhóm trục lợi, cứ vướng vào quan chức là bị chậm lại...”, TS Trường nói thêm.
130 ha cây rừng đã bị đốn sạch
Ngày 10.8, PV Thanh Niên tiếp tục trở lại khu vực rừng tại khoảnh 1 (tiểu khu 69) và ghi nhận tại hiện trường vẫn còn ngổn ngang hàng ngàn mét khối gỗ đã bị đốn hạ. Đại diện Hạt kiểm lâm Bù Đốp, cho biết rừng ở khoảnh 1 có diện tích trên 155 ha (nằm trong diện tích 575 ha; diện tích còn lại ở khoảnh 2 và 3). Trong đó có 25 ha đã được khoanh nuôi, không được khai thác. Diện tích còn lại gần 130 ha đơn vị khai thác do Công ty cao su Sông Bé thuê đã khai thác hầu hết diện tích này.
Tại hiện trường cho thấy hầu hết diện tích rừng khoảnh 1 đã bị chặt hạ những cây gỗ dài trên 20 m có đường kính từ 0,5 - 1 m nằm la liệt từ cửa rừng ra đến bìa rừng. Một số diện tích sau khi phá rừng đã được Công ty cao su Sông Bé cho bứng gốc, cày, ủi, san phẳng bề mặt.
Đỗ Trường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.