"Đinh tặc" hoành hành đến bao giờ? - Bài 1: Những con đường "bẫy đinh"

14/09/2011 14:37 GMT+7

(TNO) Lại có thêm một người thiệt mạng nghi do cán đinh dẫn đến tai nạn ở gần cầu vượt Cát Lái (quận 2, TP.HCM) vào ngày 27.8. Cán phải đinh khi đi đường đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người...

Chỉ trong vòng nửa tiếng, từ 18 giờ đến 18 giờ 30 phút tối 13.9, phóng viên Thanh Niên Online đã phát hiện có 8 người đi đường bị cán đinh, phải dẫn xe lội bộ trên đoạn đường từ cầu Rạch Chiếc đến Khu du lịch Suối Tiên (quận 9, TP.HCM) để tìm chỗ vá.

Trước và sau 18 giờ

Ngay từ dịp lễ 2.9, tình trạng rải đinh đã bùng phát trở lại tại TP.HCM mà "điểm nóng" là khu vực các quận 2, 9 và Thủ Đức.

Sau nhiều ngày bám sát khu vực này, phóng viên Thanh Niên Online phát hiện đoạn đường từ cầu vượt Trạm 2 đến Khu du lịch Suối Tiên của quận 9 và qua đến ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai) chính là điểm đen của những kẻ rải đinh.

Riêng đoạn đường ngắn từ ngã ba Khu công nghệ cao đến Suối Tiên dài 500m có trên dưới 20 tiệm sửa, vá xe từ lớn đến nhỏ.

Và điều đặc biệt là nếu trước 18 giờ chỉ có một vài người đi đường cán đinh thì sau giờ này, mọi chuyện hoàn toàn khác.

“Người ta sẽ nườm nượp dẫn xe lội bộ qua đường này rồi tấp vào ở các tiệm sửa, vá xe ở khu gần Suối Tiên. Không tin thì cậu đợi qua 18 giờ đi sẽ rõ”, một người dân tên H., sống lâu năm gần khu cầu vượt Trạm 2, “phán” một câu chắc nịch với chúng tôi.

 
Một nạn nhân (áo trắng) nhờ dịch vụ vá xe di động thay ruột vừa hỏng do cán đinh "ách rô" dưới chân cầu Rạch Chiếc - Ảnh: Trí Quang (chụp tối 13.9)

Kim đồng hồ chỉ đúng 18 giờ, chúng tôi rảo xe một vòng khu vực từ cầu Rạch Chiếc xuống tới Suối Tiên để quan sát.

Chỉ trong vòng nửa tiếng, phóng viên Thanh Niên Online đã phát hiện thấy 8 trường hợp cán đinh và họ phải vã mồ hôi dẫn xe lội bộ quãng đường dài lê thê để tìm chỗ vá.

Cụ thể là 1 trường hợp ở chân cầu Rạch Chiếc nhờ tới dịch vụ vá xe lưu động, 1 trường hợp từ Suối Tiên ngược về Trạm 2, 2 trường hợp ở ngay tại cầu vượt Trạm 2, và đặc biệt là có tới 4 trường hợp cán đinh liên tiếp ở gần ngã ba Khu công nghệ cao.

Đó là chưa kể những trường hợp đang ngồi đợi vá xe trong các tiệm nhỏ ven đường cùng lúc đó.

Khi được hỏi tại sao lại có sự khác biệt như vậy giữa mốc 18 giờ, ông H. nói ngay: “Dưới chân cầu vượt Trạm 2 có chốt vá xe của đội xung kích chống rải đinh Q.9. Cứ đến khoảng 18 giờ mỗi ngày chốt này đóng cửa đi về thì bọn xấu tung quân ra đi “ăn đêm” rồi người đi đường cán đinh liên tục”.

Cung đường “dẫn xe đi bộ”

Bám theo hỏi chuyện anh Nam, một nạn nhân cán đinh vừa vá xe xong ở dịch vụ vá xe lưu động, chúng tôi được biết anh Nam vừa tốn 100.000 đồng để thay ruột xe do cán phải đinh “ách rô”.

“Mình phải đẩy xe đi qua khỏi cầu Rạch Chiếc mới vá được”, anh Nam vừa nói vừa nheo nheo mắt vì mồ hôi nhễ nhại trên trán chảy xuống ròng ròng, lưng áo ướt đẫm... 

Bên kia đường, trước trạm xe buýt gần ngã ba Khu công nghệ cao, chị Loan cũng đang đánh vật với chiếc xe máy nặng trịch vì bánh sau không còn một chút hơi. Do quá mệt mỏi và không biết phải làm sao ở giữa đường xa lộ chỉ toàn những dòng xe ào ào qua lại với khói bụi, chị Loan đành gọi điện thoại cầu cứu người nhà.

 
Chị Loan đang đánh vật với chiếc xe nặng trịch vì bánh sau xẹp lép - Ảnh: Trí Quang (chụp tối 13.9)


“Gần đây có tiệm sửa xe nhưng tui sợ “chém” quá không dám vào. Có lần xe bị xẹp lốp vào vá xong thì lại hư thêm cái khác, lại tốn thêm tiền. Sợ lắm nên kêu ông xã ra cho chắc”, chị Loan than thở.

10 phút sau khi xe chị Loan cán đinh, có 3 trường hợp khác cũng lần lượt dắt xe đi bộ do dính “bẫy đinh” ở khu vực ngã ba Khu công nghệ cao. Theo chúng tôi quan sát, ở gần khu vực này có 2 tiệm sửa xe, nằm khuất sâu bên trong so với đường lộ.

Lúc 19 giờ ngày 13.9, trên tuyến xa lộ Đại Hàn, đoạn từ ngã ba Đại cương khu ĐH Quốc gia TP.HCM đến ĐH Nông Lâm, một nữ sinh viên cũng dắt bộ chiếc xe máy đã bị banh vỏ sau do cán miếng thép lớn.

“Vào tiệm thay cả vỏ và ruột xe hết gần 200.000 đồng. Xui quá! Mình mới mượn xe nhỏ bạn đi công chuyện mà vừa chạy ra đường lại bị cán đinh”, Tường Anh, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM rầu rĩ kể.

 
Đoạn đường từ cầu vượt Trạm 2 tới trạm xe buýt Suối Tiên (được tô màu tím) thường bị rải đinh - Ảnh: Trí Quang


Tường Anh than, chuyện sinh viên làng ĐH đi xe cán đinh xảy ra như cơm bữa, nhưng khổ nhất là bị các tiệm sửa, vá xe "chặt chém" rồi luộc phụ tùng xe.
 
Đoạn từ ngã ba Đại cương đến ngã ba ĐH Nông Lâm chỉ dài khoảng 200m nhưng có đến hơn chục tiệm sửa, vá vỏ xe ô tô và xe máy hai bên đường.

Sau 18 giờ mỗi ngày, các đoạn đường xa lộ Đại Hàn, và từ cầu Rạch Chiếc xuống Suối Tiên trở thành cung “đường dẫn xe đi bộ”.

Khi nhìn các nạn nhân hì hục dắt xe dưới ánh đèn đêm, bất chợt thấy họ quá cô độc. Cô độc trước sự bủa vây của "bẫy đinh", trước những điểm sửa xe cắt cổ và cả những rủi ro, tai nạn nguy hiểm không thể lường trước do cán đinh. (còn tiếp)

Đem theo đồ nghề để tự vá xe mỗi ngày

Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi bắt gặp Nguyễn Chí Thiện (24 tuổi) ở tỉnh Bình Dương đang hì hục vá xe bên đường, ngay dưới chân cầu Rạch Chiếc lúc 19 giờ tối 13.9.

Ngày nào Thiện cũng phải vá xe như vậy khi đi qua đoạn đường từ khu vực Suối Tiên (quận 9) về hướng cầu Rạch Chiếc.

“Do ngày nào mình cũng bị cán đinh xẹp lốp giữa đường. Khi dẫn vào tiệm vá xe dọc đường thì bị “chém” đến 40.000 đồng/lỗ nên mình tự đem đồ nghề để vá luôn cho khỏe, đỡ tốn tiền. Mình cũng có học qua nghề vá, sửa xe cơ bản mà”, Thiện đưa tay gạt mồ hôi ròng ròng trên trán rồi nói.

 
Ngày nào Thiện cũng mang theo túi đồ nghề vá xe theo khi đi làm để tự xử lý sự cố cán đinh - Ảnh: Trí Quang


Thiện cho hay có nhiều lúc xe cán đinh hình “ách rô”, phá hỏng cả ruột xe nên lúc nào cũng phải đem theo ruột dự phòng.

“Bây giờ tụi nó toàn rải đinh “ách rô”, chơi ác thiệt. Xe mà cán đinh này thì chỉ có thể thay ruột mới chứ vá không được vì nó phá ruột xe dữ lắm. Rất may là mình chưa bị té xe do cán đinh lần nào”, Thiện bức xúc cho biết sau khi vá xong lỗ thủng khá lớn trên ruột xe.

“Ban ngày đi qua đoạn này không sao nhưng cứ đêm xuống là xe cán đinh. Thậm chí có ngày cán liên tiếp 3 lần. Mình mà không đem theo đồ nghề để vá thì tiền lương cả tháng cũng không đủ để vá xe, thay ruột”, Thiện nói.

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.