Đổ xô lên núi tìm vàng

05/03/2009 00:00 GMT+7

Tuyến giao thông từ Quốc lộ 1A lên tháp Chàm Khương Mỹ lâu nay thưa người vắng khách, bỗng từ mùng 10 Tết đến nay tấp nập người lạ qua lại. Hỏi ra mới biết họ lên núi Thút Bút tìm vàng, vì nghe tin đồn có người trúng cả trăm cây vàng trên núi! Mời nghe đọc bài

Tin đồn quái ác

Có mặt tại bãi vàng Thút Bút sáng 4.3, trước mắt chúng tôi là cả rừng keo lá tràm hơn 1 năm tuổi đang bị triệt hạ. Ông Nguyễn Tín, Trưởng thôn Bích An (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nói như khóc: “Vàng đâu không thấy, chỉ thấy cả tháng nay, gần 250 hộ dân với trên 1.000 khẩu ngày nào cũng nơm nớp lo âu khi số người lạ mặt xuất hiện trong thôn ngày càng dày đặc. Cho đến sáng nay (4.3) nghe lệnh cấm kiên quyết của huyện, rồi xã ra tay, dân tìm vàng mới trốn đi. Cả bãi vàng bây giờ đã vắng người”.

Đúng như lời ông Tín, cả bãi vàng đã vắng lặng. Những hố sâu nham nhở, nhiều hố còn nguyên màu đất mới. Lác đác có vài người canh giữ hầm, khi phát hiện chúng tôi cũng nhanh chóng tản đi.

Chiều 4.3, ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành khẳng định núi Thút Bút không có vàng như tin đồn đại. Huyện đang chỉ thị cho chính quyền và người dân địa phương không vì nghe tin đồn để phá rừng và làm mất trật tự trị an địa phương

Ông Nguyễn Đình Hà, Trưởng công an xã Tam Xuân 1 cùng đi với chúng tôi, kể: “Do tin đồn có người dân địa phương trúng vàng trên núi Thút Bút (thuộc thôn Bích An) cả trăm cây nên hàng trăm người đổ về khai thác. Thậm chí dân ở mỏ vàng Phước Sơn cũng đổ về”.

Nhưng có người trúng cả trăm cây vàng thật không? Tôi hỏi và anh Hồ Quế, công an thôn Bích An, quả quyết: “Làm gì có. Thằng Vân, người ở thôn này được đồn là trúng vàng, nhưng hỏi ra mới biết hắn mang một bao đất đi thử và bán được 200.000 đồng. Không hiểu sao mà từ đó tin đồn cứ lan ra”.

Anh Bùi Diện, một người dân địa phương sợ dân làm vàng đào hầm, phá rừng nên hằng ngày phải đi giữ rừng. Chỉ một khu rừng bị tàn phá, anh Diện nói: “Người ta thỏa thuận với chủ đất rồi cùng khai thác ăn chia. Cụ thể như 3 người khai thác thì cộng với chủ đất là 4, có vàng thì chia làm 4 phần cùng hưởng”.

Tan nát núi rừng 

Hố đào vàng chi chít trong khu vực núi Thút Bút rộng mênh mông. Có hầm vừa mới khai ra, đất đỏ bật lên mới toanh, có hầm đã cũ được che lại. Những thân cây mới bị chặt phá còn ứa nhựa, xác xơ. Dưới chân núi, nhiều máy xay quặng vẫn còn để nguyên, có người trông coi nhưng cũng như tại bãi vàng, khi thấy người lạ là họ tìm cách tránh đi.

 
Hiện trường còn trơ lại những hố đào sâu hoắm

Anh Trần Văn H., một người dân có rừng keo ở Thút Bút chua xót: “Cả khu rừng chăm sóc cả năm giờ đã mất sạch cây, công sức đâu mà trồng lại. Không chỉ vậy, những hầm đào xong không thấy vàng bỏ trơ ra, nhỡ sảy chân rơi xuống là coi như đi đời, trâu bò rớt xuống hầm không chết cũng bị thương, nguy hiểm khôn lường”.

Chưa hết, cả anh Hồ Quế và anh Hiên dẫn chúng tôi lên núi Thút Bút, đến bên trụ điện thuộc lưới điện 500 KV, lo lắng: “Trụ điện này có số thứ tự là 96 thuộc lưới điện quốc gia nằm cách miệng hầm khai thác vàng khoảng chừng 200 mét. Nhưng khi đào xuống, các ngách hầm còn ăn ngang, ăn dọc và nếu tình trạng đào hầm không chấm dứt thì có nguy cơ ảnh hưởng đến trụ điện này”.

Sau đó, anh Quế dẫn chúng tôi đến con kênh N1 (tuyến kênh chính phía nam của công trình thủy lợi Phú Ninh), nói: “Những người khai thác vàng còn đem đất xuống đây đãi, nếu tình trạng này không được chấn chỉnh ngay thì về lâu dài nguy cơ ô nhiễm, bồi lắng dòng kênh là chắc chắn...”.

 

Rừng keo tròn một năm tuổi đang bị cày xới

Cụ Bùi Hửu, người thôn Bích An lại bức xúc chuyện đám thanh niên bỏ làm đi đào vàng. “Không biết mấy ổng khai hầm, làm vàng có trúng không, chỉ biết đám thanh niên của làng nghe tin bỏ công ăn việc làm kéo nhau lên núi đó hết. Cây cối thì bị tàn phá, hầm sâu thì quá hiểm nguy”, cụ Hửu nói.

Nhiều người dân còn cho biết chưa đầy 1 tháng từ khi dân đào vàng kéo đến, vùng đất này đã có “chủ hầm”, “đầu nậu”... Các chủ hầm mới đến khai thác đã thuê đám đầu gấu về để bảo vệ "lãnh địa" khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1, thừa nhận tin đồn có người trúng vàng lan ra khiến người khắp nơi kéo về tìm vàng gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương.

Vàng bạc lợi lộc đâu chẳng thấy, nhưng cái hại đã ở trước mắt. Kênh N1, nơi cung cấp nước cho hơn 1.000 ha của 5 xã: Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành) có nguy cơ bồi lấp, hư hỏng trước tình trạng đất đá được mang về đào đãi ngay trên dòng kênh.

Khu vực nóng về tìm vàng trên núi Thút Bút lại nằm ngay dưới tuyến đường điện 500 KV Bắc - Nam nên không chỉ xảy ra nguy cơ sạt lở cao mà còn có thể làm mất an toàn lưới điện quốc gia...

Theo một cán bộ của xã Tam Xuân 1, hiện nay có tình trạng người dân có đất tại địa phương thỏa thuận cho người nơi khác đến khai thác để ăn chia kiểu 4/6. Theo vị này, để chấm dứt tình trạng nói trên, địa phương phải có những đợt ra quân thường xuyên, liên tục và quyết liệt.

Cạnh đó, phải rà soát, sàng lọc lập danh sách những đối tượng đang "nuôi giấc mộng đổi đời" từ việc đào vàng để có biện pháp xử lý riêng.

Hồ Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.