Doanh nghiệp cần hỗ trợ thực chất, hiệu quả

10/11/2016 06:42 GMT+7

Thảo luận tại tổ ngày 9.11, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những giải pháp thực chất, cụ thể hơn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, chú trọng đến chất lượng.

Trước đó, theo Tờ trình dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), Chính phủ đề xuất 11 nội dung hỗ trợ: Gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn...
Theo Ban Soạn thảo, đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNVVN, trừ nội dung giảm thuế thu nhập, các nội dung hỗ trợ còn lại tại chương này không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNVVN.

Số lượng chưa nói lên điều gì
ĐB Lâm Đình Thắng (TP.HCM) cho rằng quá trình nghe DN góp ý cho dự thảo luật, phần lớn có tâm lý ủng hộ về mặt nội dung nhưng chưa tin tưởng hoàn toàn vào việc khả thi của luật trên thực tế. “Các DN nói luật là hỗ trợ nhưng thực tiễn có phải là xin - cho hay không? Niềm tin của họ với luật này không là tuyệt đối khi luật đi vào cuộc sống”, ĐB Thắng băn khoăn, đồng thời kiến nghị thay vì ban hành theo cơ chế hành chính thông thường cần thông tin rộng rãi để cộng đồng DN biết được từng điều khoản qua đó tận dụng được quyền của mình, các cơ quan nhà nước biết nhiệm vụ của mình để hỗ trợ thiết thực hơn.
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) mong muốn Chính phủ tạo ra được cải cách hành chính để các thủ tục thông thoáng tạo môi trường bình đẳng cho DNVVN. Trên thực tế tiếp cận câu chuyện kinh doanh, các thủ tục vẫn “hành là chính”, tình trạng nhũng nhiễu, xin - cho phổ biến. Dự luật này các ĐB mới nói nhiều đến câu chuyện về thuế, nhưng ngoài thuế thì chưa có gì cụ thể. “Mong Ban Soạn thảo, Quốc hội có xem xét để những quyết tâm phát triển DNVVN thực chất, đi vào thực tế”, ĐB Thường đề xuất.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lưu ý: “Dường như trong số các giải pháp Chính phủ mới đưa ra viễn cảnh đẹp số lượng DN sẽ tăng lên nhưng số DN không nói lên nhiều. Hiệu quả kinh tế không phải nằm ở số lượng tăng thêm mà khả năng phát triển, sản xuất kinh doanh hiệu quả mới quan trọng”.
Giảm 41 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Cũng liên quan đến cộng đồng DN, buổi chiều Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại tổ dự án luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tờ trình của Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại luật Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp. Như vậy còn 266 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (giảm 41 so với danh mục hiện hành). Để đáp ứng mục tiêu xây dựng dự án luật là nhằm xóa bỏ ngay một số rào cản, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và DN, Chính phủ đề nghị luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017.
Đáng chú ý, trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy có 2 luồng ý kiến, trong đó một bên đồng ý với đề xuất của Chính phủ, bên còn lại đề nghị làm rõ thêm một số nội dung. Tuy nhiên, trong kết luận của mình, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Quan điểm này dựa trên căn cứ, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16.7.2014 với các định hướng cụ thể: “Nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô sau khi luật Đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô VN, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng. Do vậy, việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp
ô tô theo định hướng nêu trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng
Ý kiến
Đưa ngành sản xuất, lắp ráp ô tô vào kinh doanh có điều kiện
Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm cần quy định ngành ô tô phải ràng buộc điều kiện. Hiện các DN ô tô trong nước đang làm rất tốt, một ngành kinh tế có tới 100.000 lao động, cán cân thanh toán lên tới 30 tỉ USD nếu quản lý không khéo sẽ thâm hụt thương mại. Một ngành công nghiệp như thế không thể bỏ được, phải có quy định để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông
Không ràng buộc sẽ tạo ra mất an toàn
Sản xuất ô tô là hàng hóa tiêu dùng đặc biệt, có quy định chặt chẽ, sản phẩm liên quan đến an toàn, sức khỏe con người, công nghệ cao. Quy trình lắp ráp công phu, cần có những kỹ sư, công nhân trình độ cao, nếu không đưa vào sẽ tạo ra sự mất an toàn. Nếu không có điều kiện chẳng khác nào vô tình khuyến khích nhập khẩu linh kiện không đạt chuẩn, không đảm bảo điều kiện lưu hành và đặc biệt là mối lo VN nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp, biến tướng nhập khẩu xe cũ.
ĐB Lê Phước Lộc (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.