Đối mặt đại hạn

15/02/2016 08:30 GMT+7

Nắng nóng kéo dài, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL khiến vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước này đứng trước nguy cơ sụt giảm cả về năng suất và chất lượng.

Nắng nóng kéo dài, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL khiến vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước này đứng trước nguy cơ sụt giảm cả về năng suất và chất lượng.

Hơn 600 ha lúa ở H.Gò Công Đông, Tiền Giang bị chết vì thiếu nước - Ảnh: Hoàng PhươngHơn 600 ha lúa ở H.Gò Công Đông, Tiền Giang bị chết vì thiếu nước - Ảnh: Hoàng Phương
Đó là nhận định của ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT ngày 14.2 về ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến tình hình sản xuất nông nghiệp tại Nam bộ.
Ông Trung cho biết mực nước trên các sông ở Nam bộ đang xuống thấp ở mức kỷ lục trong 90 năm qua; hiện tượng xâm nhập mặn có nơi chưa từng được ghi nhận trong 90 năm qua. Hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra đúng thời điểm nông dân khu vực ĐBSCL vừa xuống giống vụ đông xuân và còn tiếp tục kéo dài nên dự báo sẽ thiệt hại nặng nề.
Cụ thể, Cục Trồng trọt đã ghi nhận ở các địa phương có thiệt hại cụ thể ra sao do hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn gây ra?
Thống kê mới nhất, nắng nóng dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 950.587 ha/1.538.657 ha của toàn vùng ĐBSCL, chiếm xấp xỉ 61,78% diện tích lúa đông xuân ở khu vực này. Trong đó, 8 tỉnh bị thiệt hại nặng nhất gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Nhiều địa phương, diện tích lúa bị xâm nhập mặn chiếm tới 20 - 30% diện tích toàn tỉnh. Riêng ở các tỉnh ven biển, diện tích bị hạn hán và xâm nhập mặn lên tới 340.000 ha. Trong số đó, có 104.371 ha lúa đông xuân bị xâm nhập mặn ở mức độ nặng. Ở mức độ này, cây lúa khó có khả năng sinh trưởng, phát triển để cho thu hoạch.
Còn ở những nơi xâm nhập mặn cường độ nhẹ hơn, cây trồng kém phát triển nên năng suất lúa và chất lượng gạo cũng sẽ kém đi. Cũng theo thống kê ở các địa phương, xâm nhập mặn khiến diện tích lúa vừa xuống giống bị chết có nguy cơ phải gieo giống lại cũng rất lớn, ước tính phải lên tới 80.000 - 90.000 ha.
Nhiều vườn cà phê ở H.Cư Mgar (Đắk Lắk) bị khô cháy - Ảnh: Ngọc Quyền
Dự báo tình trạng nắng nóng hạn hán, xâm nhập mặn còn kéo dài, Cục có cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương ứng phó?
Cục Trồng trọt thường xuyên đôn đốc sở NN-PTNT các địa phương trong vùng tăng cường kiểm tra, tu sửa, gia cố bờ vùng bờ thửa giảm thất thoát nước, tận dụng tối đa nguồn nước trên sông, rạch, kênh mương và các ao hồ tự nhiên để cung cấp cho lúa và các diện tích cây trồng khác.
Ở những vùng xâm nhập mặn cần đầu tư các công trình, hướng dẫn người dân be bờ, ngăn luồng lạch không cho nước biển tràn vào. Sau đó tiến hành bơm tiếp nước ngọt để làm giảm độ mặn, cứu lấy các diện tích lúa bị nhiễm mặn cường độ nhẹ. Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân sớm gieo trồng lại các diện tích lúa bị ảnh hưởng phải gieo lại để kịp tiến độ mùa vụ.
Ngoài ra, các địa phương tính toán khả năng đảm bảo nguồn nước, để diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại những nơi có khả năng thiếu nước. Ở những vùng không đủ nước tưới cho lúa nhưng vẫn đảm bảo cho rau màu ngắn ngày hoặc khai thác được nguồn nước ngầm bổ sung, nước hồ, đập, thì chuyển đổi sang gieo trồng cây bắp, rau đậu và các loại cây trồng cho nhu cầu nước thấp hơn cây lúa.
Nhiều địa phương thiếu nước
Thông tin từ Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, chỉ có 8/12 hồ chứa lớn tích đủ nước. Số còn lại thiếu nước nghiêm trọng, chắc chắn ảnh hưởng đến công suất tưới cho gần 32.000 ha cây trồng các loại theo năng lực thiết kế.
Tại Đắk Lắk, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, có 25 hồ thiếu nước từ đầu vụ, 143 hồ thiếu nước về cuối vụ; khả năng cả tỉnh phải cắt giảm gần 1.100 ha lúa, diện tích cần chống hạn về cuối vụ hơn 10.000 ha gồm lúa và cà phê.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, tỉnh này cắt giảm diện tích gieo trồng xuống còn 21.500 ha; trong đó chỉ gieo cấy 13.500 ha lúa, 8.000 ha đất còn lại được chuyển sang trồng cây màu chịu hạn. Hiện Sở NN-PTNT Ninh Thuận đang xây dựng kế hoạch di chuyển đàn gia súc ở các vùng tâm hạn đến khu vực chủ động nguồn thức ăn và nước uống; khuyến cáo người dân về khả năng hạn hán, hướng dẫn việc đào ao, khoan giếng chống hạn để giảm thiểu thiệt hại...
Tại H.Cát Tiên (Lâm Đồng), hơn 200 ha lúa vụ đông xuân trên địa bàn huyện đang đứng trước nguy cơ bị khô hạn do các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn sông Đồng Nai không xả đủ nước. Theo cam kết của các công ty thủy điện, từ tháng 1 - 5, mỗi tuần sẽ xả nước 2 - 3 ngày với thời gian xả từ 6 - 10 tiếng đồng hồ/ngày. Tuy nhiên, hơn 10 ngày qua, các công ty này chỉ xả nước khoảng 3 tiếng đồng hồ nên không đủ nước cho các trạm bơm hoạt động.
Tại Tiền Giang, theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, hạn và mặn năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 2 tháng. Hiện có gần 29.000 ha lúa đông xuân gieo sạ trên dưới 20 ngày tuổi bị thiếu nước nghiêm trọng, trong đó trên 600 ha bị cháy rụi. Bị ảnh hưởng nặng nhất là ở các xã ven biển như Tân Thành, Tân Phước, Tân Điền, Kiểng Phước, Gia Thuận... thuộc H.Gò Công Đông. Dự báo sắp tới nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn và độ mặn sẽ cao hơn vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, sẽ ảnh hưởng tới khu vực TP.Mỹ Tho và xã Bình Đức (H.Châu Thành).
Tỉnh Bạc Liêu hiện nhiều tuyến kênh đã cạn kiện không còn nguồn nước ngọt để bơm vào đồng ruộng để cứu lúa đông xuân. Thực tế đã có hàng ngàn héc ta lúa đông xuân ở các xã Hưng Thành, Hưng Hội, Châu Hưng A... (H.Vĩnh Lợi) bị khô hạn gây hư hại hoàn toàn.
Tại Cà Mau, hiện khu vực sản xuất lúa - tôm ở huyện U Minh, Thới Bình, có vài trăm héc ta đang bị ảnh hưởng do thiếu nước và xâm nhập mặn sớm. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vùng nước ngọt H.Trần Văn Thời, nhiều tuyến kênh nước rút gần cạn đáy, gây thiếu nước cho sản xuất và phương tiện thủy lưu thông gặp nhiều khó khăn.
Tại Tây Ninh, trong lúc nhiều người vẫn còn đang tận hưởng hương vị tết thì từ nhiều ngày qua, hàng ngàn nông dân trồng mì đang phải hối hả ngày đêm trên đồng ruộng để bơm nước cứu hàng ngàn héc ta mì có nguy cơ chết khô vì hạn hán. Toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 ha mì, trong nhiều tháng qua do trời không mưa, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thanh Niên
Đón không khí lạnh, miền Bắc có rét kéo dài
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, đến chiều 14.2, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực vùng núi đông bắc Bắc bộ. Trong tối và đêm cùng ngày, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khắp khu vực phía đông Bắc bộ, sau đó tiếp tục lan rộng đến các tỉnh bắc Trung bộ, tây Bắc bộ, trung Trung bộ và một số nơi ở nam Trung bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh phía đông Bắc bộ, bắc Trung bộ có mưa ở vài nơi. Các tỉnh trung Trung bộ từ ngày 15.2 có mưa, mưa rào. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Cũng theo dự báo, đợt không khí lạnh này có cường độ mạnh nên thời tiết rét sẽ còn kéo dài ở các tỉnh miền Bắc cho đến hết tuần sau.
Vùng đồng bằng và trung du, nhiệt độ ban đêm khoảng 11 - 14 độ C, ban ngày dao động từ 14 - 17 độ C. Ở vùng núi nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 6 - 8 độ C, trời rét đậm rét hại, riêng vùng núi cao vẫn có khả năng xảy ra hiện tượng băng giá.
Không khí lạnh cũng làm xuất hiện thời tiết xấu ở các vùng biển. Cụ thể, ở vịnh Bắc bộ và khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa, gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Khoảng chiều tối và đêm 15.2 trở đi, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển ngoài khơi từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao 2 - 4 m.
Phan Hậu
Xâm nhập mặn sâu 50 - 60 km
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết tình trạng hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện đang ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Xâm nhập mặn ở khu vực này xuất hiện từ tháng 11.2015, sớm hơn so với chu kỳ trước đây khoảng 1 tháng rưỡi. Hiện tượng xâm nhập mặn trước đây thông thường chỉ vào sâu khoảng 30 - 40 km còn hiện tại đã ghi nhận phổ biến là 50 - 60 km, thậm chí cá biệt có nơi còn vào đến 70 - 80 km, khiến lúa và cây trồng chết rất nhiều.
Hiện tượng nắng nóng sớm được ghi nhận trong những ngày gần đây ở tây Bắc bộ và hạn hán, xâm nhập mặn cho thấy hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết khí hậu nước ta, dù nó đã qua giai đoạn phát triển đỉnh cao nhưng thời gian ảnh hưởng còn kéo dài cho đến hết tháng 6 sau đó sẽ suy giảm chậm. Nhìn chung El Nino còn ảnh hưởng đến nước ta đến hết năm 2016 nên dự báo năm nay nắng nóng và khô hạn ở nhiều nơi còn khốc liệt hơn so với năm 2015. Ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, nếu năm trước lượng mưa thiếu hụt từ 10 - 30% thì trong năm nay, lượng mưa thiết hụt còn ở mức cao từ 50 - 60% khiến khu vực này gần như mất mùa mưa nên sẽ có hạn hán khốc liệt, nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.